Chất nhuộm độc hại có trong vị thuốc đông y

(Dân trí) - Rhodamine B là một loại chất hoá học dùng để nhuộm quần áo, cấm tuyệt đối trong thực phẩm và thuốc vì rất độc hại cho cơ thể, nhưng chất này lại vừa được tìm thấy trong nhiều mẫu Chi tử (một vị thuốc đông y khá phổ biến).

Trong đợt lấy mẫu xét nghiệm của Viện kiểm nghiệm thuốc TƯ (từ tháng 7 đến tháng 10/2009), đã xách định được 25/57 mẫu Chi tử có chứa chất cấm độc hại Rhodamine. Các mẫu Chi tử này được lấy rải rác tại nhiều cửa hàng thuốc đông y trên địa bàn Hà Nội như phố Lãn Ông, Ninh Hiệp (Gia Lâm)…
 
Chất nhuộm độc hại có trong vị thuốc đông y - 1
Chi tử tự nhiên có màu vàng nâu đất bên trái. Còn Chi tử nhuộm Rhodamine B bên phải có màu nâu đỏ sẫm hơn. (Ảnh: H.Hải)

Chi tử là vị thuốc dùng trong đông y khá phổ biến, có màu vàng nâu đất, thơm và có tác dụng chữa thanh nhiệt, tá hỏa, lợi tiểu tiện, cầm máu. Không chỉ có công dụng trong chữa bệnh, màu vàng nâu của Chi tử còn được dùng để làm màu nhuộm thức ăn, lên màu rất đẹp mà không gây độc hại.

TS Phạm Thị Giảng, Trưởng khoa Đông Dược, Viện Kiểm nghiệm thuốc TƯ, cho rằng: có thể người kinh doanh nhuộm Rhodamine B để Chi tử có màu đẹp hơn, hoặc lợi dụng tính phát quang của chất này để ngăn chặn côn trùng, mối mọt.
 
Giữa Chi tử nhuộm và không nhuộm Rhodamine B có sự khác biệt khá rõ về màu sắc. Vì thế, khi mua vị thuốc Chi tử, người dân nên quan sát kỹ màu sắc của Chi tử để tránh mua phải loại có nhuộm Rhodamine B. Chi tử tự nhiên thường có màu vàng sẫm hoặc vàng nhạt, vàng nâu. Còn Chi tử được nhuộm Rhodamine B thì có màu nâu đỏ sẫm hơn.

Được biết, bên cạnh lấy mẫu Chi tử để kiểm tra Rhodamine, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương còn lấy nhiều mẫu dược liệu khác nhưng không phát hiện chất Rhodamine B ở các dược liệu này.

Hồng Hải