Chẩn đoán bệnh lao: Còn nhiều khó khăn

Tú Anh

(Dân trí) - Theo chuyên gia, các phương pháp chẩn đoán vi khuẩn lao hiện nay bộc lộ nhiều mặt hạn chế về thời gian trả kết quả lâu như nuôi cấy, độ nhạy thấp, hay chi phí cao.

Bất tiện khi lấy dịch đờm họng

Ngày 5/10, tại hội thảo "Một số phương pháp chẩn đoán mới và mẫu bệnh phẩm lao mới trong định hướng thanh toán bệnh lao", PGS.TS Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó trưởng ban điều hành Chương trình lao Quốc gia đánh giá, khả năng tiếp cận chẩn đoán vẫn là một rào cản đáng kể đối với việc chăm sóc và điều trị lao.

Theo PGS Hòa, các phương pháp chẩn đoán vi khuẩn lao hiện nay bộc lộ nhiều mặt hạn chế về thời gian trả kết quả lâu như nuôi cấy, độ nhạy thấp như soi AFB trực tiếp, hay chi phí cao như Xpert và hầu hết các phương pháp đều vẫn còn có những hạn chế.

Chẩn đoán bệnh lao: Còn nhiều khó khăn - 1

Bác sĩ khám cho bệnh nhi mắc lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương (Ảnh: Minh Hương).

Trong đó, với phương pháp chẩn đoán lao truyền thống qua dịch đờm, nhiều người bày tỏ sự khó khăn, bất tiện khi lấy dịch đờm họng, nhất là với phụ nữ, trẻ em.

TS Hoàng Thị Mỹ Hạnh, Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho biết, có đến 64,1% nhân viên y tế được hỏi cho biết khó khăn trong việc lấy mẫu đờm do 97% người bệnh không thể khạc đờm. Lý do là người bệnh không biết cách khạc đờm, một số nhóm người bệnh không có đờm, sợ lây nhiễm...

Việc đưa mẫu đờm về phòng xét nghiệm và vài tuần sau mới có kết quả cũng là rào cản. Có đến 88,6% người dân có kết quả sau khi lấy mẫu từ 1 tuần-1 tháng; 7,4% lấy mẫu trong khoảng từ 1-3 tháng, có đến 2,7% chưa bao giờ nhận được và chỉ có 1,3% có được kết quả trong khoảng dưới 1 tuần.

"Việc chẩn đoán bệnh lao dựa trên mẫu đờm thường khiến cho việc chẩn đoán bị kéo dài vài ngày thậm chí vài tuần và khiến người bệnh không được xét nghiệm chẩn đoán lao kịp thời. Hậu quả của việc chẩn đoán chậm và chậm trễ trong điều trị đã dẫn đến gia tăng số ca tử vong do lao trên toàn cầu", chuyên gia nhận định.

Thêm phương pháp chẩn đoán mới

Theo PGS Hòa, bệnh lao được ví như kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi được chẩn đoán bệnh đã có nguy cơ lây sang nhiều người khác. Việc chẩn đoán sớm giúp giảm nguy cơ lây lan của bệnh lao ra cộng đồng.

"Các phương pháp và công nghệ chẩn đoán lao mới sử dụng các loại mẫu bệnh phẩm khác không phải mẫu đờm đang là nhu cầu cấp bách, đặc biệt những bệnh nhân ốm nặng, những người không thể khạc đờm, bệnh nhân HIV, bệnh nhân mắc lao ngoài phổi", PGS Hòa nói.

Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng Văn phòng FIND Việt Nam, đánh giá, hầu hết các phương pháp chẩn đoán lao hiện nay còn nhiều hạn chế khi áp dụng cho bệnh nhân mắc lao ngoài phổi, lao phổi ít vi khuẩn, hay bệnh nhân HIV...

Chẩn đoán bệnh lao: Còn nhiều khó khăn - 2

Bệnh nhân lao điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương (Ảnh: Minh Hương).

Từ tháng 6/2021-6/2025, Chương trình Chống lao Quốc Gia - Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với FIND thực hiện Nghiên cứu đa trung tâm đánh giá độ chính xác của các xét nghiệm chẩn đoán mới để phát hiện lao ở người trưởng thành: FEND-TB.

Phương pháp mới lấy mẫu xét nghiệm bệnh lao bằng nước bọt (phết lưỡi) và nước tiểu, thay vì lấy đờm như hiện nay. Phương pháp này độ nhạy đạt gần 70%.

Theo TS Hạnh, với phương pháp lấy mẫu chẩn đoán lao mới là phết lưỡi và nước tiểu, người bệnh thấy dễ lấy mẫu hơn, đỡ lây nhiễm hơn và đỡ bị phân biệt, vệ sinh, thuận tiện hơn…

Phương pháp này mang lại thuận lợi với bệnh nhân ốm nặng, những người không thể khạc đờm, bệnh nhân HIV, bệnh nhân mắc lao ngoài phổi, bệnh nhân trẻ em...

Hơn nữa, phương pháp này có thể áp dụng rộng rãi trong cộng đồng, y tế cơ sở. Hiện các đơn vị tiếp tục nghiên cứu để đánh giá mức độ chấp nhận, khả năng tích hợp và triển khai việc sử dụng các mẫu bệnh phẩm mới trong hệ thống y tế, từ đó cung cấp bằng chứng về yêu cầu thực tiễn đối các công cụ chẩn đoán mới.

Các chuyên gia đánh giá, việc chẩn đoán nhanh còn giúp giảm được tỷ lệ mất dấu, giảm yêu cầu truy tìm bệnh nhân để thông báo kết quả xét nghiệm, giảm nguy cơ phát tán lây truyền bệnh, nhờ vậy cải thiện kết quả dự phòng và điều trị lao.

Hiện phương pháp FEND-TB được triển khai tại các quốc gia Nam Phi, Peru, Uganda, Moldova và Việt Nam. Mạng lưới nghiên cứu này đóng vai trò quan trọng trong việc tăng tốc việc đánh giá để có thể đưa vào áp dụng một cách sớm nhất các công cụ chẩn đoán.

Việt Nam đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng về bệnh lao và bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất toàn cầu. Ước tính, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 169.000 ca bệnh lao mới mắc, 8.900 trường hợp kháng đa thuốc và khoảng 14.200 ca tử vong.