Chấm dứt nỗi khiếp sợ của bệnh nhân về nhà vệ sinh bệnh viện

(Dân trí) - Theo TS. Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đưa tiêu chí nhà vệ sinh bệnh viện vào để chấm điểm bệnh viện. Đây là một cuộc “tấn công” nhà vệ sinh BV, để chấm dứt tình trạng nhếch nhác, bẩn thỉu, là nỗi khiếp sợ của bệnh nhân khi buộc phải vào nhà vệ sinh trong bệnh viện.

TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường.
TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường.

Thưa ông, phần lớn người bệnh đều e ngại, bần cùng bất đắc dĩ lắm mới phải vào nhà vệ sinh bệnh viện do sợ bẩn. Là Viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ chuyên môn nghiên cứu kỹ thuật và tư vấn chuyên môn về vệ sinh môi trường, xin ông cho biết thực trạng các nhà vệ sinh trong bệnh viện hiện nay như thế nào?

Những năm gần đây công tác vệ sinh bệnh viện nói chung, trong đó có nhà vệ sinh đã được cải thiện do các bệnh viện đã được xây mới, cải tạo hoặc nâng cấp. Các bệnh viện từ tuyến trung ương tới tuyến huyện đã được đầu tư xây dựng và cải tạo nhà vệ sinh theo yêu cầu về số lượng nhà vệ sinh trên giường bệnh theo Tiêu chuẩn Việt Nam về Thiết kế bệnh viện.

Đặc biệt trong Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện cũng đã nêu rõ rằng người bệnh được sử dụng buồng vệ sinh sạch sẽ và đầy đủ các phương tiện, chúng ta cũng đã có quy định từng mức đánh giá chất lượng bệnh viện theo chất lượng nhà vệ sinh.

Tuy nhiên về vấn đề quản lý, sử dụng các nhà vệ sinh thì còn nhiều bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến dưới ở khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa, còn chưa đạt yêu cầu.

Trong cuộc khảo sát về cấp nước và vệ sinh trong các cơ sở y tế năm 2015 do Viện chúng tôi tiến hành trên các bệnh viện các tuyến theo vùng sinh thái đã phát hiện nhiều vấn đề bất cập và hạn chế. Nhà vệ sinh các bệnh viện nhất là khu vực dành cho bệnh nhân và các khu vệ sinh chung còn bẩn, thiếu nước, thiếu giấy, thiếu xà phòng rửa tay, dây đọng nước, xí bị vỡ, hư hỏng không được sửa chữa, và đặc biệt là mùi hôi nặng nề do lượng người dùng nhiều, không được xử lý kịp thời.

Cảnh nhếch nhác thường thấy tại nhà vệ sinh bệnh viện.
Cảnh nhếch nhác thường thấy tại nhà vệ sinh bệnh viện.

Tại một số bệnh viện các nhà vệ sinh bị khóa cửa do không có người lau dọn. Ở một số vùng như miền núi, vùng sâu, thiết kế nhà vệ sinh chưa phù hợp với tập quán và đặc điểm tình hình của địa phương nên nhà vệ sinh dù có nhưng chưa được sử dụng, bảo quản đúng.

Bộ trưởng Bộ Y tế từng yêu cầu phải hướng tới bệnh viện xanh, sạch, đẹp, trong đó nhà vệ sinh bệnh viện không còn cảnh nhếch nhác, thiếu giấy, hỏng vòi nước, không có xà phòng rửa tay… Theo ông, mục tiêu này có khả thi?

Viện phí đang được điều chỉnh giá theo hướng thu đủ bù chi, đã kết cấu phần vệ sinh vào giá thành, vì vậy không có lý do gì để không làm tốt vấn đề này. Nhà vệ sinh bệnh viện bẩn là điều bức xúc cho bất kỳ ai vào bệnh viện.

Để chuẩn bị cho việc này, Bộ trưởng đã chỉ đạo đưa tiêu chí vệ sinh vào chấm điểm bệnh viện dù thời điểm đó có nhiều tranh luận vì chỉ đưa 5% số điểm cho vệ sinh.

Với các điều kiện đã được chuẩn bị sẵn và việc khẳng định quyết tâm thúc đẩy thực thi cải thiện vệ sinh trong bệnh viện và cơ sở y tế của Bộ trưởng, chúng tôi tin chắc rằng sẽ sớm có những cải thiện đáng kể để phục vụ người bệnh trong thời gian tới.

Theo ông, để giải quyết triệt để vấn đề này, cần có các giải pháp, chiến lược gì?

Theo tôi, để các định hướng và chỉ đạo của Bộ trưởng được thực thi nhanh chóng và triệt để, cần có các quy định, hướng dẫn cụ thể về thực hiện vệ sinh trong cơ sở y tế, trong đó quy rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị chuyên môn kỹ thuật, người đứng đầu cơ sở y tế.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh việc thanh kiểm tra các bệnh viện, cơ sở y tế để đảm bảo tốt việc thực thi các quy định, hướng dẫn này. Đồng thời cần đẩy mạnh việc truyền thông, nâng cao năng lực và nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi của các nhà quản lý bệnh viện, nhân viên y tế và chính những người bệnh, người dân về quản lý, sử dụng, bảo quản, duy trì vệ sinh bệnh viện nói chung, trong đó có nhà vệ sinh. Đã đến lúc chính các nhà quản lý bệnh viện cần nhận thức rõ rằng vệ sinh và nhà vệ sinh bệnh viện là một trong những khía cạnh quan trọng, cần được ưu tiên trong nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại cơ sở mình. Tôi tin rằng, với những giải pháp cụ thể này, vấn đề cải thiện chất lượng nhà vệ sinh bệnh viện sẽ sớm được giải quyết triệt để.

Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường có đóng góp gì cho cuộc “tuyên chiến” với nhà vệ sinh bệnh viện, thưa ông?

Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đã chủ động hợp tác với các đơn vị kỹ thuật chuyên ngành để cùng tìm kiếm và xây dựng các giải pháp cho vấn đề này. Trước mắt, Viện chúng tôi đã chuẩn bị và sẽ sớm phổ biến Hướng dẫn thực hiện vệ sinh môi trường trong các cơ sở y tế. Chúng tôi cũng đã biên soạn những tài liệu truyền thông nâng cao nhận thức của nhân viên y tế và người dân về vệ sinh bệnh viện và sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật cho các bệnh viện để triển khai.

Theo khảo sát năm 2015 vừa qua, mùi hôi là vấn đề thường gặp nhất và gặp nặng nhất trong các nhà vệ sinh tại các cơ sở y tế. Viện chúng tôi đã hợp tác với các đơn vị kỹ thuật chuyên ngành xây dựng thành công mô hình khử mùi nhà vệ sinh. Sắp tới, Viện chúng tôi sẽ triển khai áp dụng tại các bệnh viện tuyến trung ương và sẽ chuyển giao cho tuyến dưới trong giai đoạn sau. Bên cạnh đó, Viện chúng tôi đang triển khai đề án xây dựng giải pháp kỹ thuật nhằm giúp giải quyết vấn đề nhà vệ sinh tại các bệnh viện đang bị quá tải. Chúng tôi hy vọng kết quả đề án sẽ khả quan và được áp dụng rộng rãi nhằm góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng vệ sinh bệnh viện.

Xin cảm ơn ông!

Tú Anh (thực hiện)