Cảnh giác "mùa" chó cắn

Tháng 8 là mùa giao phối của loài chó. Đây cũng là thời điểm số lượng người bị chó cắn tăng đột biến so với các thời điểm khác trong năm.

Mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh dại, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp tử vong đau lòng do thiếu hiểu biết trong phòng ngừa và điều trị sau khi bị chó cắn.

 

Nạn nhân đa phần là trẻ em

 

Ở Việt Nam, hàng năm có tới 650.000 người bị súc vật (chủ yếu là chó nghi dại) cắn phải đi tiêm vắc xin. Số người tử vong vì bệnh dại tuy chỉ còn khoảng 50 - 60 trường hợp nhưng hậu quả về sức khoẻ, tinh thần và thẩm mỹ do vết cắn của chó để lại thì vô cùng nặng nề.

 

Tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, anh Trần Trung Hoài, Hà Nam, có con trai 8 tuổi bị chó cắn rách cả bắp chân khi đang dạo chơi trong công viên, cho biết: Con trai anh rất thích vật nuôi, khi thấy chó chạy trong công viên liền đuổi theo chơi đùa thì bị cắn. Ngoài việc vệ sinh, khâu vết thương, anh còn đưa con đi tiêm phòng bệnh dại.

 

Cứ 15 phút có một người châu Á tử vong vì bệnh dại, trong đó 40% là trẻ em dưới 15 tuổi. Tại Việt Nam, hàng năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hai chiến dịch tiêm phòng cho chó nhưng mới đạt 60% ở các thành phố lớn, còn vùng nông thôn chỉ là 15%.

 

Một trường hợp khác, chị Châu Thị Mai Phi, ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội có con gái 10 tuổi cũng phải nhập viện khâu vết thương, tiêm ngừa phòng dại và uốn ván. Trước đó, cháu bé sang nhà hàng xóm chơi, thấy chó của người hàng xóm và chó lạ giành nhau ăn liền “nhảy vào can thiệp” nên bị chó lạ cắn rách bàn tay.

 

Theo các bác sỹ, nạn nhân của chó cắn phải đến chữa trị đa phần là trẻ em. Thông thường, trẻ bị chó cắn ở vùng mặt khá phổ biến, bởi trẻ là đối tượng thích đùa với chó nhưng chưa ý thức được sự nguy hiểm và tự đối phó được khi bị loài vật này tấn công. Còn người lớn chủ yếu bị chó cắn ở chân và tay.

 

Khi bị chó cắn, phải chích ngừa ngay

 

BS Trần Công Minh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vết thương do chó cắn đều làm da bị xé rách, dễ nhiễm các loại tạp khuẩn, đặc biệt là vi rút bệnh dại từ nước bọt của chó và vi rút uốn ván từ móng của chó. Nhiều nạn nhân đến điều trị phải mất nhiều thời gian và để lại di chứng nặng nề về thẩm mỹ.

 

Các bác sỹ khuyến cáo: Nếu chẳng may bị chó cắn, trước hết phải rửa sạch vết thương nhiều lần bằng xà phòng, tốt nhất là rửa vết thương dưới vòi nước mạnh ít nhất 5 phút. Ngoài ra, nên tiến hành sát trùng vết thương bằng dung dịch cồn 70% hoặc dung dịch iode, nhằm làm giảm tối thiểu lượng vi rút xâm nhập nơi vết cắn.

BS Trần Tịnh Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện các bệnh về Nhiệt đới cho biết: Do Việt Nam thuộc vùng có bệnh dại nên khi bị chó cắn phải tiêm phòng ngay. Ngoài việc tiêm phòng bệnh dại, khi bị chó cắn nên tiêm phòng cả bệnh uốn ván. Hiện nay, tại các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng, đều có thể tiếp nhận bệnh nhân đến chích ngừa bệnh dại.

 

Giúp con đối phó nếu bị tấn công

 

Các bậc phụ huynh nên nói chuyện kỹ lưỡng với con cái về khả năng bị chó tấn công, nhất là khi con phải đi đâu đó một mình hay với chúng bạn, không có người lớn bên cạnh. Ngoài ra, cần nhấn mạnh với trẻ rằng:

 

- Không nên trêu chọc khi chó đang ăn, đang ngủ hoặc đang nuôi chó con.

 

- Không được tiếp cận chó từ phía đuôi hoặc lưng, bị giật mình chó sẽ quay lại cắn ngay mà không kịp phân biệt chủ hay người lạ.

 

- Đừng có ý định đưa bàn tay vuốt ve chó lạ vì bàn tay đưa ra là phần cơ thể dễ bị chó cắn nhất.

 

- Tuyệt đối không được tiếp cận một con chó đang bị xích, nhốt trong chuồng hay đang ở phía sau hàng rào.

 

- Không nhìn vào mắt chó lạ, bởi như vậy sẽ khiến nó bị kích thích tấn công.

 

Còn trường hợp bị tấn công thì phải làm sao? Hãy dừng lại, đứng yên (hoặc ngồi thụp xuống), giữ bình tĩnh, hai tay khép sát thân mình, im lặng, cũng đừng quay lưng bỏ chạy hay la hét ầm ĩ.

 

- Nếu không may bị ngã hoặc bị chó chồm lên vật ngã, nạn nhân lúc đó phải nằm co lại theo tư thế của thai nhi trong bụng mẹ, hai cánh tay và hai bàn tay xòe ra che kín mặt và cổ mình. Cần phải bảo vệ mắt và động mạch ở cổ trước hàm răng sắc nhọn của chó.

 

Theo Nguyễn Thị Hương

Gia đình