Cảnh báo nguy hại từ phụ gia trong thực phẩm chay giả mặn

Vân Sơn

(Dân trí) - Những món ăn chay có nguồn gốc từ thực vật nhưng lại mang mùi vị của các món từ động vật đều sử dụng phụ gia. Nếu người sản xuất sử dụng phụ gia trôi nổi, phụ gia công nghiệp thì rất nguy hại.

Đó là cảnh báo của PGS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn Thực Phẩm TP HCM liên quan đến các mặt hàng thực phẩm chay đang phục vụ nhu cầu người dân trên thị trường. Theo PGS Phong Lan, ngày nay, ăn chay đối với nhiều người không chỉ là sở thích, mà còn là một thói quen lành mạnh, giúp nâng cao sức khỏe. Đặc biệt, trong dịp lễ Vu Lan, thực phẩm chay được nhiều người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các cơ sở sản xuất, chế biến ngày càng có nhiều sản phẩm ăn chay đa dạng như: thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chay đóng hộp, thực phẩm đông lạnh, hàng khô, thực phẩm chay sản xuất trong nước, nhập khẩu… bắt mắt thu hút người tiêu dùng. Tuy nhiên, người mua rất khó để xác định được mức độ an toàn của những món ăn chay.

Cảnh báo nguy hại từ phụ gia trong thực phẩm chay giả mặn - 1

Nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm chay đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Một thực tế rất “lạ lùng” đang diễn ra hiện nay là người ăn chay không muốn thưởng thức hương vị tự nhiên của các món ăn chế biến từ thực vật – món chay đúng nghĩa. Người ăn chay nhưng lại muốn các món chế biến từ thực vật có hương vị như các món chế biến từ động vật. Ngay cả tên gọi của các món chay cũng theo món mặn như: gỏi tai heo chay, đùi gà chay, tôm chay, mực chay, cá chay…

Phân tích của Trưởng ban An toàn Thực phẩm TPHCM chỉ ra: “Để đảm bảo độ dai và có hương vị tương tự như các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thủy sản, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chay sẽ phải bổ sung phụ gia, hương liệu thực phẩm tạo mùi, màu, chất định hình và chất chống ẩm mốc..."

Theo PGS Phong Lan từng loại nguyên liệu, phụ gia trên đều có nguy cơ mất an toàn thực phẩm như: thực phẩm bị ôi thiu, thực phẩm nhiễm các loại nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh, nhiễm hóa chất độc hại. Nguy hiểm hơn, các cơ sở sản xuất có thể sử dụng những loại phụ gia trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc hóa chất, phụ gia công nghiệp trong chế biến khiến người sử dụng đối mặt với những hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng, 

Vụ việc pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum gây ngộ độc nguy hiểm cho nhiều người và đang tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng khi sản phẩm chưa thể thu hồi hết là điển hình. Lối Sống Mới là cơ sở có địa chỉ cụ thể, hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, tuy nhiên sau khi xảy ra sự cố việc truy xét các vấn đề liên quan và thu hồi sản phẩm cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Cảnh báo nguy hại từ phụ gia trong thực phẩm chay giả mặn - 2
Pate Minh Chay là sản phẩm nhiễm botulinum khiến nhiều người phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch tính mạng

Để tránh nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cho cộng đồng, PGS Phong Lan cho rằng việc tăng cường thanh kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm là điều cần thiết phải thực hiện. Tuy nhiên, ý thức của nhà sản xuất trong việc bảo vệ thương hiệu thông qua tuân thủ các quy định an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mới là điều tiên quyết.

“Nếu người sản xuất không có ý thức vì cộng đồng thì không có lực lượng thanh tra nào có thể kiểm soát được hết yếu tố nguy cơ cũng như các sai phạm mang tính cố ý”, PGS Lan nói. 

Vụ việc pate Minh Chay nhiễm chất cực độc botulinum khiến nhiều người phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch là hồi chuông cảnh báo mức độ nguy hiểm cấp tính của các mặt hàng thực phẩm. 

Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, khi mua thực phẩm, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ tất cả những thông tin liên quan tới sản phẩm. Tuyệt đối không mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm bị biến dạng, hàng không nhãn mác. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và xử lý kịp thời.