Cảnh báo muỗi gây dịch sốt tấn công nội thành

(Dân trí) - Theo cảnh báo của các chuyên gia dịch tễ, chuyển mùa luôn có nhiều tác nhân gây sốt vi rút. Đáng nói, có một loài muỗi trước đây thường chỉ có ở các vùng nông thôn, nay đã “tấn công” Hà Nội, gây sốt xuất huyết và sốt vi rút.

Đây là loại muỗi có tên khoa học là Albopictus. Loại muỗi này đang tồn tại ở nhiều quận huyện nội thành Hà Nội, là tác nhân gây bệnh sốt vi rút và sốt xuất huyết.

Trước đây, loại muỗi này thường khu trú tại các ao tù, kênh, rãnh, hố nước bẩn ở các vùng nông thôn, huyện nội thành. Nhưng hiện tại, loại muỗi này đã “tấn công” cả địa bàn Hà Nội và các khu vực lân cận. Năm ngoái, Trung tâm Y tế dự phòng đã tìm thấy loại muỗi này tại hai quận Thanh Xuân, Đống Đa.

TS.BS Trịnh Thị Ngọc, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, số bệnh nhân ngày càng tăng lên, nhất là trong thời điểm giao mùa thu - đông. Hai tháng trước đây, bệnh nhân đến khoa Truyền nhiễm vì bị sốt vi rút do tác nhân này thường chỉ rải rác vài ca. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, số bệnh nhân bị sốt vi rút tăng lên nhanh chóng, mỗi ngày ở các bệnh viện tiếp nhận ít nhất là gần chục bệnh nhân.

Theo thống kê, số bệnh nhân tập trung nhiều ở các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Từ Liêm... Các bệnh viện khác như Đống Đa, Bệnh viện Bưu Điện, bệnh viện Xanh Pôn đều có bệnh nhân sốt vi rút và con số bệnh nhân ngày càng tăng lên.

Nhất là trong thời điểm giao mùa hiện tại, môi trường luôn có sự biến đổi, sự thay đổi nhiệt độ, thời tiết làm sức đề kháng của con người, nhất là trẻ nhỏ giảm đi rõ rệt, vì thế, càng dễ bị các tác nhân vi rút, muỗi tấn công.

Theo các bác sĩ, dấu hiệu điển hình của sốt vi rút do loại muỗi này là người mệt mỏi, uể oải, sốt cao, ngạt mũi, ra mồ hôi trộm, gây tê liệt thần kinh. Nhất là trên da người bệnh có hiện tượng bị mẩn đỏ, ngứa.

Nếu để tình trạng bệnh nhân sốt cao kéo dài, không điều trị kịp thời bệnh nhân có nguy cơ mất nước, sốc, truỵ tim mạch, thậm chí tử vong.

Vì thế, để tránh nguy cơ bị sốt vi rút từ tác nhân muỗi Albopictus, người dân nên mắc màn, phun thuốc diệt muỗi, vệ sinh sạch, thoáng môi trường sống xung quanh.

Ngọc Linh