Căn bệnh mạn tính ở phổi thường được phát hiện khi đã rất nặng

Nam Phương

(Dân trí) - Tại Việt Nam, tần suất mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trung bình và nặng đứng cao nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Bệnh tiến triển âm thầm, nên khi được phát hiện thường đã rất nặng.

Ngày 25/11, Dự án Phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tổ chức chương trình truyền thông phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Đây là hoạt động hưởng ứng ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu năm nay.

Đồng thời, bệnh viện cũng triển khai hoạt động khám, tư vấn miễn phí bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho người dân có yếu tố nguy cơ.

Căn bệnh mạn tính ở phổi thường được phát hiện khi đã rất nặng - 1

TS Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Ảnh: Thế Anh).

TS Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh không lây nhiễm khác như bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, hen phế quản đang ngày càng gia tăng và trở nên phổ biến, có những tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế và xã hội.

Hiện nay, số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong cộng đồng rất lớn. 

Theo số liệu sơ bộ của điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2020 do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và Tổng cục thống kê triển khai, có tới 3,1% số người trưởng thành (từ 18 đến 69 tuổi) từng được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. 

TS Hằng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ để được sàng lọc, phát hiện sớm và chẩn đoán, điều trị kịp thời, góp phần tăng hiệu quả điều trị cũng như giảm thiểu gánh nặng bệnh tật và kinh tế cho người bệnh và xã hội. 

Căn bệnh mạn tính ở phổi thường được phát hiện khi đã rất nặng - 2

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Thế Anh).

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết thêm, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trên thế giới. Tại Việt Nam, tần suất mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trung bình và nặng đứng cao nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

"Chẩn đoán sớm và điều trị sớm giúp ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh, phòng ngừa biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh", PGS Cơ nói.

Báo cáo kết quả triển khai quản lý bệnh tại tuyến y tế cơ sở hoạt động phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản năm 2016-2020 của Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, tỷ lệ người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản được phát hiện ở giai đoạn sớm trước khi có biến chứng đạt 35%. 

Tỷ lệ người bệnh được phát hiện được điều trị theo hướng dẫn chuyên môn đạt hơn 39%. 

Chủ đề của Ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu năm nay là "Hơi thở là cuộc sống - Hãy hành động sớm". Mục đích nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe lá phổi từ sớm và phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bằng cách hành động sớm hơn. 

Căn bệnh mạn tính ở phổi thường được phát hiện khi đã rất nặng - 3

Người dân được khám, đo huyết áp, đo chức năng hô hấp miễn phí tại Bệnh viện Bạch Mai ngày 25/11 (Ảnh: Nam Phương).

Những người trên 40 tuổi và có ít nhất một trong 6 yếu tố nguy cơ sau nên được khám tầm soát, phát hiện sớm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:

- Người hút thuốc lá, thuốc lào đã trên 10 năm.

- Người trực tiếp đun bếp (than, củi, rơm, rạ) trên 30 năm.

- Người phải tiếp xúc khói, bụi, hóa chất nghề nghiệp. 

- Có dấu hiệu khó thở nặng dần theo thời gian.

- Ho liên tục nhiều tháng, nhiều năm.

- Thường xuyên khạc đờm vào buổi sáng.