Cách xử trí khi bị ve đốt máu

(Dân trí) - Khi đốt, hút máu, ve bám rất chắc vào vật chủ với phần đầu ve cắm sâu vào trong da. Nếu lấy ve không khéo có thể làm đứt phần phụ miệng của ve, dẫn tới ngứa ngáy, nhiễm trùng thứ phát..

Khi phát hiện thấy ve đốt máu, cần phải lấy ngay chúng ra khỏi chỗ đốt càng sớm càng tốt vì nguy cơ bị nhiễm bệnh có khả năng tăng lên cùng với thời gian ve bám vào người.

 

Có thể lấy ve ra khỏi chỗ đốt bằng cách kéo từ từ nhưng phải kiên trì và chắc chắn.

 

Phương pháp thích hợp và an toàn nhất là dùng một cái kẹp để lấy ve, tránh tiếp xúc của ngón tay với dịch cơ thể của ve bị nhiễm mầm bệnh.

 

Ve có thể bám rất chắc vào vật chủ, nơi mà đầu ve cắm sâu vào trong da ở chỗ vết đốt. Vì vậy không nên bóp nát ve mà cần phải thận trọng để không làm đứt phần phụ miệng bám vào cơ thể. Ở chỗ vết đốt, ve gây ngứa ngáy và làm nhiễm trùng thứ phát. Một số bác sĩ thú y thường có dụng cụ đặc biệt để lấy loại ve chó ra khỏi cơ thể của chó một cách dễ dàng và nhanh chóng.

 

Một phương pháp có thể làm cho ve mềm và nhả ra khỏi chỗ vết đốt máu bằng cách dùng một vật nóng như một đầu cây kim đã đốt nóng chạm vào ve hoặc thấm nhẹ bằng chloroforme, ether hoặc một vài chất gây mê khác.

 

Đối với loại ve thân cứng (Ixodiae), phương pháp này chỉ có hiệu quả ngay sau khi ve vừa mới đốt vì chúng được gắn chặt vào chỗ bị đốt máu bằng chất keo dính của tuyến nước bọt, có tác dụng ngăn cản không cho ve nhả miệng ra một cách nhanh chóng.

 

Ở những vùng có các loại ve đốt máu chỉ gây phiền hà, khó chịu nhưng không có vai trò truyền bệnh quan trọng có thể dùng phương pháp phủ lên chúng bằng dầu paraffin, vaseline hoặc chất sơn móng tay để làm cho ve không thở được. Ve cứng sẽ ngưng tiết chất keo dính gắn vào chỗ vết đốt, vì vậy nó nhả miệng ra nhưng cách này phải mất một vài giờ. Phương pháp này không được khuyến khích sử dụng ở những vùng có các loài ve là vật truyền bệnh vì thời gian ve nhả ra khỏi vết đốt máu quá lâu có thể làm cho ve tiết nhiều nước bọt có khả năng truyền mầm bệnh qua vết thương.

 

Ve chích đốt máu có thể truyền cho người một số bệnh quan trọng đã được xác định như sốt hồi quy do ve, sốt đốm vùng núi đá, sốt Q và bệnh Lyme. Ngoài ra nó cũng là vật truyền bệnh cho những động vật nuôi và gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế. Vì vậy, cần phải quan tâm đến vần đề này để xử trí biện pháp một cách phù hợp, khẩn cấp khi bị ve đốt máu nhằm chủ động phòng tránh những hậu quả đáng tiếc xảy đến.

 

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh