Các dấu hiệu nhiễm độc Arsenic từ nguồn nước

(Dân trí) - Điều nguy hiểm là khi dùng phải nguồn nước nhiễm Arsenic (thạch tín), các triệu chứng thường không rầm rộ, biểu hiện cũng không điển hình, rất dễ nhầm lẫn với bệnh thông thường nên người dân cũng chủ quan, ít đi khám.

Cách phát hiện sớm

Biểu hiện của nhiễm độc thạch tín chỉ rõ nét sau khi sử dụng nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm Arsenic với nồng độ cao quá mức cho phép trong thời gian dài từ 7 đến 10 năm. Vậy nên phát hiện sớm rất quan trọng.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh rất đa dạng, do thạch tín gây tác hại rộng tới chức năng của nhiều hệ cơ quan: thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, hô hấp... Mức độ tổn thương phụ thuộc vào độ nhạy cảm của từng cá thể, vào liều lượng và thời gian tiếp xúc.

Theo đó, dấu hiệu xuất hiện các mảng dày sừng và rối loạn sắc tố da là những dấu hiệu sớm cần lưu ý đầu tiên.

Nếu gia đình có sử dụng nguồn nước giếng khoan, nước sông, hồ… mà thấy trên lòng bàn chân xuất hiện các mảng dày sừng, đối xứng 2 bên, đôi khi kèm theo các vết nứt nẻ, khác hẳn với vết chai thông thường ở mắt cá chân, tay… hoặc xuất hiện các nốt nhỏ ở bất cứ vùng nào trên cơ thể… mà đậm hoặc nhạt màu hơn các vùng da khác thì người dân nên đi xét nghiệm xem có bị nhiễm độc Aresnic hay không.

Đây chính là những dấu hiệu ban đầu rất đặc trưng của bệnh mà nhiều người lầm tưởng chỉ là bệnh da liễu thông thường nên bỏ qua. Nguy hiểm là các tổn thương có thể tiến triển thành ung thư da.

Dự phòng nhiễm độc

Khi bị nhiễm độc thạch tín, không có phương pháp điều trị đặc hiệu để loại bỏ hoàn toàn chất này ra khỏi cơ thể. Vì thế, phòng và phát hiện bệnh sớm là phương án tối ưu. Các phương pháp điều trị chủ yếu hiện nay chỉ là điều trị triệu chứng và sử dụng bổ sung thêm các thuốc tăng thải và các loại Vitamin để tăng khả năng tự đào thải Arsenic của cơ thể.

Do đó, nếu phát hiện sớm, chỉ cần ngừng dùng nước nhiễm Arsenic, thay bằng nước sạch và an toàn, phối hợp với cách tự nhiên đào thải Arsenic qua nước tiểu. Còn khi đã xuất hiện các mảng dày sừng, rối loạn sắc tố ra, ngoài việc ngừng sử dụng ngay nguồn nước có thạch tín, việc điều trị phải được bác sĩ chỉ định nhằm giảm tình trạng này, bệnh không tiến triển thành ung thư da.

Khi có những biểu hiện nghi ngờ, cần đi khám và xét nghiệm nước tiểu, tóc. Hiện có hai cơ sở được phép chẩn đoán xác định nhiễm độc Arsenic, đó là:

- Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Yersin, Hà Nội)

- Viện Vệ sinh y tế công cộng (TPHCM).

Chỉ mất khoảng trên dưới 100 ngàn đồng cho mỗi mẫu xét nghiệm, sau 3 - 4 ngày người dân sẽ được xác định mình có bị nhiễm độc thạch tín hay không.

Hiện nay, Chính phủ đã có Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu ô nhiễm thạch tín ở Việt Nam. Theo đó, sẽ xây dựng bản đồ ô nhiễm Arsenic ở Việt Nam; xây dựng các biện pháp phòng chống; nghiên cứu và áp dụng các giải pháp làm giảm thiểu ô nhiễm Arsenic trong nguồn nước; tăng cường thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về vệ sinh nguồn nước…

Ngọc Linh