Vụ mua thuốc phòng chống cúm A/H5N1:

Các công ty dược đồng loạt “phản pháo”

(Dân trí) - Cho rằng cơ quan điều tra, thanh tra chỉ dựa vào nguồn tin từ một công ty nước ngoài cung cấp để buộc nộp lại số tiền hàng triệu đô cho Nhà nước là không có cơ sở, 4 công ty dược đồng loạt “phản pháo”.

Ngày 13/9, 4 công ty dược có liên quan trong vụ mua bán thuốc phòng chống cúm A/H5N1 Tamiflu: (Công ty cổ phần (CP) Dược phẩm Imexpharm; Công ty CP Dược phẩm Cửu Long; Công ty CP dược phẩm Pymepharo; Công ty TNHH Sata VN) đã tổ chức họp báo để phản đối cơ quan điều tra, thanh tra.

 

Các công ty Dược này cho biết, vào cuối năm 2005 - đầu năm 2006 là thời điểm dịch cúm A/H5N1 bùng phát trên thế giới và Việt Nam được liệt vào danh sách “điểm nóng” về dịch cúm. Lúc đó, 4 công ty dược trên được chấp thuận tham gia dự án sản xuất thuốc Oseltamivir dự trữ phòng chống dịch theo hợp đồng với Bộ Y tế.

 

Khi đó, Bộ Y tế yêu cầu các công ty phải tự tìm mua nguyên liệu sản xuất thuốc nên các công ty đã tìm và ký kết hợp đồng mua nguyên liệu với đối tác.

 

Sự việc sẽ chẳng có “lùm xùm” gì nếu chỉ dừng lại ở đó. Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra, thanh tra Chính phủ yêu cầu 4 doanh nghiệp này hoàn lại số tiền 6,6 triệu USD (trong đó có 2,8 triệu USD mà 3 trong 4 công ty nói trên được nhận lại từ nhà cung cấp nguyên liệu nước ngoài) thì 4 công ty dược này đồng loạt phản pháo. Theo các công ty dược, việc yêu cầu thu số tiền này của cơ quan điều tra, thanh tra là không có cơ sở.

 

Các công ty dược đồng loạt “phản pháo”  - 1

Các nhà sản xuất khẳng định Tamiflu sản xuất trong nước tiết kiệm 240 tỷ đồng so với sản phẩm của hãng Roche

Bà Trần Thị Đào - Tổng giám đốc Công ty CP dược phẩm Imexpharm bức xúc: “Khi đó, Nhà nước hứa ứng tiền trước nhưng không có khoản nào ứng hết. Bây giờ Nhà nước lại đòi khoản bồi thường này là vô lý. Nếu Nhà nước đòi thì đòi Bộ Tài chính chứ chúng tôi không nộp”. Cũng theo bà Đào, so giá bán 27.700 đồng/viên Tamiflu thành phẩm với giá 39.600 đồng/viên của hãng F. Hoffmann La Roche (gọi tắt là Roche) - công ty đa quốc gia mà Thanh tra Chính phủ mang so sánh, 4 doanh nghiệp trong nước khẳng định với 20 triệu viên, họ đã giúp ngân sách nhà nước tiết kiệm gần 240 tỷ đồng.

 

“Dấn thân phục vụ dân sinh, nay bỗng nhiên bị dính vào cuộc điều tra. Không những thế, chúng tôi còn bị buộc hoàn trả vào ngân sách số tiền hàng triệu USD do nghi ngờ là tiền hoa hồng trong mua nguyên liệu”, bà Đào bức xúc.

 

Lý giải về việc chọn đối tác mua nguyên liệu, các công ty dược giải thích, sở dĩ họ chọn nhà cung cấp Stada Hong Kong mà không chọn Roche vì thời điểm dịch cúm bùng phát họ không nhận được lời chào hàng nào từ Roche.

 

DS Ông Văn Dũng - Tổng giám đốc Stada VN cho rằng, cơ quan điều tra, thanh tra hoàn toàn chỉ dựa vào thông tin do Công ty Roche cung cấp làm chuẩn mực để đánh giá, kết luận sự việc là không khách quan. Trong khi đó, Roche là công ty cạnh tranh trực tiếp với 4 công ty dược trong nước về loại thuốc này. “Tại sao cơ quan điều tra, thanh tra luôn đặt vấn đề là, các doanh nghiệp trong nước không mua nguyên liệu từ Roche, mà không chất vấn, điều tra xem vì sao Roche nói cung cấp nguyên liệu rẻ, nhưng lại bán giá thành phẩm Tamiflu quá cao (2,49 USD/viên)”, ông Dũng bức xúc. 

 

Các công ty dược cho rằng đã bị các cơ quan thanh tra, điều tra ép trong vụ này.

 

Quế Sơn