“Bóc” u bướu cổ không cần phẫu thuật

(Dân trí) - Thay vì phẫu thuật, bác sĩ sử dụng 1 cây kim nhỏ đâm xuyên qua da, truyền nhiệt để làm xơ hoá khối u. Theo thời gian, khối u nhỏ dần đến khỏi hẳn mà người bệnh không có “vết tích” nào can thiệp trên da.

Chiều 7/12, bệnh nhân Đàm Thị Ngân, bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Tuyên Quang, đến khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Bạch Mai) tái khám sau gần 8 tháng điều trị u lành tuyến giáp bằng sóng cao tần.

Hình ảnh siêu âm, khám lâm sàng cho thấy, khối u (kích thước cũ gần 5cm) đã thu nhỏ đến 80%, không còn gây triệu chứng khó thở mỗi khi nằm, khó nuốt, không nhìn thấy dưới da cổ. Bệnh nhân Ngân bị u tuyến giáp 5 năm nay.


Sau 8 tháng can thiệp, khối u tuyến giáp với kích cỡ gần 5cm của chị Ngân đã thu nhỏ đến 80% và không có dấu tích gì ngoài da. Ảnh: Hồng Hải

Sau 8 tháng can thiệp, khối u tuyến giáp với kích cỡ gần 5cm của chị Ngân đã thu nhỏ đến 80% và không có dấu tích gì ngoài da. Ảnh: Hồng Hải

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thông, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, chị Ngân là 1 trong 20 bệnh nhân u tuyến giáp (với kích cỡ 3-4 và 5cm) đầu tiên áp dụng thành công phương pháp này.

Kỹ thuật này dùng một cái kim, đâm xuyên da vào vùng u, dưới hướng dẫn của siêu âm để truyền nhiệt mà không cần gây mê, mổ mở, nội soi.

“Khối u tuyến giáp lớn được giải quyết mà không để lại bất cứ dấu hiệu can thiệp nào trên vùng cổ bệnh nhân”, GS Thông nói.

Ths.BS Ngô Lê Lâm cho biết, hiện có rất nhiều kỹ thuật điều trị u lành tuyến giáp nhưng đốt sóng cao tần lần đầu tiên được áp dụng tại BV Bạch Mai và trên cả nước kể từ tháng 4 vừa qua.

“Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo khi can thiệp thủ thuật và có thể về nhà 1-2 tiếng sau đó”, BS Lâm nói.


Bệnh nhân sau điều trị u tuyến giáp bằng sóng cao tần, khối u nhỏ hoàn toàn, bệnh nhân không để lại vết tích can thiệp trên da. Ảnh: BS cung cấp.

Bệnh nhân sau điều trị u tuyến giáp bằng sóng cao tần, khối u nhỏ hoàn toàn, bệnh nhân không để lại vết tích can thiệp trên da. Ảnh: BS cung cấp.

Phương pháp này chỉ thực hiện trên khối u tuyến giáp lành tính gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, có triệu chứng khó thở, khó nuốt... còn chống chỉ định với bệnh nhân có rối loạn đông máu, u ác tính với chi phí tương đương mổ nội soi (16 - 18 triệu đồng).

Phía Bệnh viện Bạch Mai đang làm đề xuất để quỹ BHYT thanh toán và sẽ dần chuyển giao phương pháp này cho các bệnh viện có đủ điều kiện, trang thiết bị máy móc, nhân lực.

Trên thế giới, phương pháp này đã được áp dụng gần 2 năm qua với tỉ lệ biến chứng rất thấp, hầu như không có.

“Biến chứng được cảnh báo là khản tiếng do có thể đốt vào dây thần kinh quặt ngược. Tuy nhiên, hình ảnh siêu âm hiện đại giúp nhìn rất rõ vị trí tổn thương, dây thần kinh nên khi đốt, kỹ thuật viên sẽ tránh được nguy cơ này”, BS Lâm cho biết.

GS Thông cho biết thêm, u tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến, với 50 - 70% dân số có nốt trong tuyến giáp, trên 95% là lành tính. Tuy nhiên, khi nốt nhỏ, lành tính thì không cần can thiệp.

Hồng Hải