Bộ Y tế nâng mức cảnh báo về Zika trên toàn quốc

(Dân trí) - Chiều ngày 5/4, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng Đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa sau địa phương này có một ca nhiễm vi rút Zika.

Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng Đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống vi rút Zika ở Nha Trang chiều 5/4
Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng Đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống vi rút Zika ở Nha Trang chiều 5/4

Trước tình hình có 2 ca nhiễm vi rút Zika ở TP HCM và TP Nha Trang, Thứ trưởng Long nhận định trong thời gian tới Khánh Hòa có thể sẽ có thêm các trường hợp nhiễm mới vi rút Zika. Ngoài ra, do việc du lịch, giao lưu đi lại giữa các địa phương thì không những Khánh Hòa, TP HCM mà những tỉnh, thành phố khác trong cả nước cũng có nguy cơ có ca nhiễm vi rút Zika mới.

Sáng cùng ngày, Bộ Y tế đã có cảnh báo cho tất cả các hệ thống, đề nghị tất cả các địa phương chuyển từ tình huống 1 sang tình huống 2 khi đã có nhiễm Zika xuất hiện rải rác ở một số tỉnh, thành. Trong đó, tỉnh Khánh Hòa đã chuyển qua tình huống phòng chống 2 đã được 1 tuần nay.

Đoàn công tác Bộ Y tế đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa, chiều 5/4
Đoàn công tác Bộ Y tế đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa, chiều 5/4

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tỉnh Khánh Hòa trong thời điểm hiện nay cần thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt trong việc diệt lăng quăng, bọ gậy, đặc biệt cần phải huy động mọi người dân, gia đình… cùng tham gia diệt lăng quăng, bọ gậy vì thực tế việc phun hóa chất thì chỉ diệt được muỗi trưởng thành, chứ không diệt được ấu trùng mà phun hóa chất nhiều sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế lo ngại Khánh Hòa sẽ có thêm ca nhiễm mới virút Zika

Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý việc diệt bọ gậy, lăng quăng phải song song với việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương, phát huy vai trò của tổ trưởng dân phố, các cộng tác viên trong việc này.

Ngoài ra, Thứ trưởng lưu ý tỉnh Khánh Hòa cần phun thuốc trên diện rộng hơn, ở nơi có mật độ muỗi cao, nơi có nhiều du khách nước ngoài lưu trú, kể cả nơi người dân có biểu hiện lâm sàng.

“Người dân và các địa phương hết sức bình tĩnh, vì cái quan trọng nhất là phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu thì hạn chế không đi đến vùng có dịch và nếu có đi đến vùng có dịch thì phải liên hệ trước với các cơ quan y tế. Zika không ảnh hưởng đến du lịch, các công dân vẫn đi du lịch bình thường, làm việc bình thường…”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

“Viện Pasteur Nha Trang trong chiều tối ngày 5/4 cần lấy mẫu tại gia đình, nơi cư trú của bệnh nhân và khu vực xunh quanh để đánh giá khả năng lây nhiễm ở khu vực này. Đối với những phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu mà có triệu chứng thì nên xét nghiệm, còn những phụ nữ mang thai lâu hơn, tháng thứ 4, thứ 5 cũng không nên lo lắng quá mức”, ông Long lưu ý.

Viết Hảo

Dòng sự kiện: Ứng phó với bệnh Zika