Bộ trưởng Bộ Y tế: “Phải chấp nhận có tai biến trong tiêm vắc xin”

(Dân trí) - Nếu quay lưng với vắc xin, không tiêm chủng, dịch xảy ra sẽ có hàng trăm trẻ đối mặt với tử vong. Còn khi tiêm vắc xin, chúng ta phải chấp nhận 1 sự thật khoa học, ít nhất có 1-4 ca tử vong/1 triệu trường hợp được tiêm, với bất cứ loại vắc xin nào.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ với báo chí sáng 31/12, xung quanh việc nhiều người lo ngại các phản ứng trong tiêm chủng mà từ chối cho con tiêm vắc xin.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: H.Hải
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: H.Hải

Nếu tiêm hàng triệu liều như Quinvaxem, chắc chắn Pentaxim cũng có phản ứng!

Thưa bà, sự cố chen lấn, xô đẩy tại điểm tiêm mới đây ở Hà Nội cho thấy “cơn khát” vắc xin dịch vụ của không nhỏ một bộ phận người dân. Là người đứng đầu ngành y tế, bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Trước hết phải khẳng định, không có tiêm chủng mở rộng (TCMR) trong thời gian qua thì dịch bệnh sẽ có nguy cơ bùng phát rất lớn. Trong 3 thập kỷ qua, có những bệnh đến nay thế hệ các bạn không còn thấy như bệnh như bại liệt, rồi bạc hầu, ho gà, uốn ván, sởi… trước đây gây tử vong rất nhiều thì nay đã được khống chế.

Bộ Y tế, Chính phủ, Nhà nước đã lo cho dân đủ vắc xin TCMR, trong đó có Quinvaxem. Chúng tôi đã thống kê, tiêm dịch vụ vắc xin 5 trong 1 chỉ chiếm 8%, trong khi TCMR chiếm đến 92% trẻ trong độ tuổi tiêm vắc xin này.

Thế giới cũng đã chứng minh, phản ứng nặng của vắc xin Quinvaxem cũng như các vắc xin khác. Nếu Việt Nam tiêm 4,5 triệu liều Pentaxim như Quinvaxem thì chắc chắn cũng có tỷ lệ tai biến. Nhưng đến nay, mỗi năm chỉ có khoảng 100.000 liều/33 nghìn trẻ, còn Quinvaxem là 4.500.000 liều/1,5 triệu trẻ.

Ngành y tế vẫn lo đủ Quinvaxem cho trẻ em. Còn tại các thành phố lớn, người dân có nhu cầu, có điều kiện đăng kí tiêm dịch vụ, thậm chí ra nước ngoài tiêm, cũng giống như việc ra nước ngoài chữa bệnh là hiện tượng hoàn toàn bình thường, không có gì bất thường.

Lẽ ra với con số 200.000 liều phải là niềm vui với các gia đình lựa chọn tiêm dịch vụ. Nhưng do việc tổ chức tiêm, rồi do văn hóa, thói quen người Việt nên xảy ra tình trạng hỗn loạn tại điểm tiêm chủng 182 Lương Thế Vinh.

Tôi đã gặp đại diện điểm tiêm này và truy vấn họ: Tại sao xung phong tiêm trước mà không có sự chuẩn bị kỹ? Đến khi dân xếp hàng đông quá, gây hỗn loạn, sợ quá ngừng tiêm làm người dân bức xúc? Đây chỉ là một điểm tiêm rất nhỏ, sự cố chỉ trong vòng mấy trăm người xếp hàng tại điểm tiêm, trong khi chúng ta đang có cả vài chục ngàn liều vắc xin.

Cái này trước hết ngành y tế cũng nhận trách nhiệm vì tổ chức dịch vụ không được tốt. Nhưng lẽ ra, nếu người dân bình tĩnh xếp hàng, lấy số, không chen lấn, trẻ sẽ được tiêm trong trật tự.

Quan điểm của tôi, đích cuối cùng của ngành y tế là phục vụ người dân. Nếu không phục vụ người dân, cuộc sống, làm việc của chúng ta cũng vô nghĩa. Không tổ chức tốt, làm rối ren lên, người dân không được gì, chúng ta cũng không được việc.

"Cơn khát” vắc xin dịch vụ cho thấy người dân hoài nghi về chất lượng của vắc xin tương đương trong TCMR, sẵn sàng chờ đợi hàng năm trời để con được tiêm. Bà có khuyến cáo gì với người dân về vấn đề này?

Tiêm vắc xin là tiêm một kháng nguyên lạ vào cơ thể, để cơ thể gặp kháng nguyên lạ sẽ kích thích sản xuất kháng thể. Và khi bị bệnh, cơ thể đã có đề kháng chống vi rút để không mắc bệnh. Tiêm vắc xin là biện pháp tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh.

Tuy nhiên, vì là một chất lạ đưa vào cơ thể người, chắc chắn có phản ứng để sinh ra kháng thể. Ở một số rất ít, do cơ thể phản ứng quá mạnh, gây sốc phản vệ. Nhưng là vấn đề cơ địa nên rất khó để biết ai bị, ai không. Như ung thư vậy, rơi vào ai thì người đó chịu. Nhà sản xuất, WHO đều đưa ra những khuyến cáo và tỷ lệ thấp dưới khuyến cáo là không lbất thường.

Trong khi đó, nếu đã thiếu vắc xin dịch vụ mà lại không tiêm Quinvaxem thì dịch bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B…sẽ có nguy cơ bùng phát. Vì thế, quan điểm của tôi là phải tiêm và phải chấp nhận tỷ lệ tai biến nhất định. Chúng tôi đã giải thích rất nhiều nhưng dân vẫn không tin. Nhưng đặt mình vào vị trí người dân, tôi hiểu những lo lắng của dân, rất chia sẻ với những trẻ em rơi vào xác suất ấy.

Tôi chỉ so sánh thế này, nếu không tiêm vắc xin và mắc loại bệnh nào đó thì tử vong ít nhất 100 - 200/1 triệu trẻ. Còn nếu tiêm, dù là vắc xin nào đi chăng nữa, cũng xảy ra tử vong ít nhất 1- 4 trường hợp/1 triệu. Chưa kể nếu có các bệnh trùng lặp kèm theo như tim bẩm sinh, rồi trẻ tử vong không rõ nguyên nhân (dù không tiêm gì mỗi ngày tại Việt Nam cũng có 30-40 trẻ chết do nhiều nguyên nhân).

Chúng ta phải chấp nhận một sự thật khoa học đó, thế giới cũng chấp nhận như vậy. Cộng đồng vẫn phải chấp nhận tiêm vì biết nguy cơ tai biến là rất ít.

Tôi lấy thêm ví dụ như với vắc xin dại, nếu bị chó dại cắn mà không tiêm sau 72 giờ thì chắc chắn bệnh nhân sẽ chết vì lên cơn dại. Nếu chó không dại thì không sao nhưng làm sao chúng ta xác định con chó có bị dại hay không? Vì chó bị dại thường sau 14 ngày mới chết, rồi không theo dõi được con chó… Trong khi tiêm vắc xin dại rõ ràng có các nguy cơ sốc, viêm não, màng não, dây thần kinh, có người tiêm vào bị liệt. Vậy chúng ta phải chọn thế nào? Có dũng cảm chờ đợi để mong con chó không dại? Tôi chia sẻ thật, sau 2 tuần đầu tiêm vắc xin dại sẽ rất lo lắng, hồi hộp.

Vắc xin có trong TCMR sẽ quy vào một mối

Thưa bà, trong khi các nước quanh Việt Nam lượng vắc xin dịch vụ Pentaxim vẫn rất dồi dào, thì tại sao Việt Nam lại xảy ra tình trạng khan hiếm này. Ngành y tế đã nỗ lực hết sức để có vắc xin dịch vụ cho dân chưa?

Trước thực tế một bộ phận nhỏ người dân không tin tưởng vào vắc xin Quinvaxem trong TCMR, vẫn chờ đợi vắc xin dịch vụ, Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Quản lý Dược trực tiếp sang các nước, làm việc với nhà phân phối. Nhà sản xuất mong bán vắc xin để lấy tiền, nhà nhập khẩu cũng muốn để có lời, điểm tiêm dịch vụ cũng muốn tiêm vì lợi nhuận… nhưng vấn đề là không lấy đâu ra vắc xin. Việt Nam đã đặt hàng nhưng họ chưa có. Sau rất nhiều đàm phán, gây áp lực, công ty sản xuất mới lấy một lượng nhỏ từ các nơi họ phân phối để có số lượng vắc xin cho Việt Nam về thời gian qua. Còn sang năm, rồi 2017 - 2018 chưa chắc đã có vắc xin do sự khan hiếm này.

Tại các nước ASEAN như Thái Lan, Philippin vẫn tiêm Quinvaxem trong TCMR dù GDP họ gấp 2, gấp 3 Việt Nam. Song song đó, họ cũng có vắc xin dịch vụ và với chi phí tiêm đắt đỏ.

Tại các nước khác, số lượng trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng cũng rất ít, 5 - 7 nước Châu Âu mới bằng lượng trẻ tiêm của Việt Nam.

Để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, Bộ Y tế có kế hoạch gì?

Nghị định tiêm chủng sẽ được dự thảo. Trong dự thảo nghị định có quy định cho tiêm dịch vụ song song với thường xuyên. Bởi tiêm chủng có hơn 10 vắc xin, dịch vụ có hơn 30 vắc xin. Đa dạng nhiều vắc xin nhập vào từ nước ngoài, phải có thị trường phân khúc cho các đối tượng. Vì vậy, vẫn quy định. Những vắc xin không có trong tiêm chủng mở rộng phải mở dịch vụ cho người dân tiêm. Còn vắc xin có trong tiêm chủng mở rộng thì quy về một mối.

Xin cảm ơn bà!

Hồng Hải (ghi)