Các Trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm:

"Bó tay" với nhiều mẫu kiểm nghiệm!

(Dân trí) - “Hầu hết Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố đều rất kém về năng lực kiểm nghiệm thực phẩm. Hiện chỉ 1/63 tỉnh có khả năng kiểm nghiệm dư lượng thuốc kháng sinh trong thực phẩm...".

PGS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế cho biết thông tin trên tại Cuộc giao ban trực tuyến toàn quốc về công tác kiểm nghiệm chất lượng VSATTP do Bộ Y tế chủ trì diễn ra ngày 27/8.
 
"Bó tay" với nhiều mẫu kiểm nghiệm! - 1
Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn (giữa) chủ trì cuộc giao ban (Ảnh: H.Hải)
Năng lực hạn chế…

Theo một khảo sát của Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm trong năm 2009 về năng lực kiểm nghiệm của 63 Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố, cho thấy năng lực kiểm nghiệm của các đơn vị này còn rất hạn chế.

Cụ thể, với chỉ tiêu dư lượng kháng sinh, chỉ có Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Bình là có khả năng thực hiện. 62 đơn vị còn lại đều “lắc đầu”, “bó tay” nếu có mẫu yêu cầu kiểm nghiệm chỉ tiêu này.

Còn với chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì chỉ có 3/63 tỉnh có khả năng. Chỉ tiêu độc tố vi nấm có 8/63 tỉnh thực hiện được. Với chỉ tiêu kim loại nặng, có 20/63 tỉnh có khả năng. Chỉ 30% trung tâm thực hiện được kiểm nghiệm về các chỉ tiêu về thành phần dinh dưỡng của thực phẩm…

Sự hạn chế về năng lực kiểm nghiệm thực phẩm không chỉ diễn ra ở các Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố mà ngay cả ở các cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu (TPNK) cũng rất hạn chế. Dù hầu hết các labo có đầy đủ các trang thiết bị cơ bản của phòng thí nghiệm như cân phân tích, cân kỹ thuật, lò nung, tủ sấy, tủ lạnh, máy ly tâm, máy lắc ống nghiệm… đến các trang thiết bị chuyên dùng như máy UV-VIS, máy ELISA, Máy cất quay, máy HPLC… nhưng không phải trung tâm nào cũng thực hiện đầy đủ được các chỉ tiêu cần kiểm nghiệm.

Qua báo cáo năng lực kiểm tra nhà nước và năng lực kiểm nghiệm từ 12 cơ quan kiểm nghiệm nhà nước về TPNK thì với dư lượng chất tăng trọng, kháng sinh chỉ 7/12 đơn vị thực hiện được. Ngay tại các tỉnh có cửa khẩu, là đầu mối để TPNK vào Việt Nam thì cũng nhiều đơn vị chưa thực hiện được chỉ tiêu này, như Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng, Tây Ninh…

Về chỉ tiêu kim loại nặng cũng chỉ có 8/12 đơn vị có khả năng, phẩm màu có 9/12 đơn vị thực hiện được, chất oxy hoá có 5/12 đơn vị…

Chính vì những hạn chế trên mà việc kiểm nghiệm thực phẩm tại các địa phương còn rất qua loa, sơ sài dẫn đến việc khó khăn trong quản lý, đặc biệt là quản lý các mặt hàng như thực phẩm chức năng, sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm nhập khẩu…. Tại buổi giao ban, đại diện TTYTDP Hà Tĩnh cho biết: “Tại tỉnh này, hiện công tác xét nghiệm mới chỉ được thực hiện ở trong khuôn khổ thường quy như vi sinh và một số chỉ tiêu lý hóa đơn giản. Còn phần lớn các chất độc hại, phụ gia thực phẩm, kim loại nặng, các thành phần trong thực phẩm như: đạm, béo, khoáng chất và các vi lượng, kháng sinh, hóa chất bảo quản… phần lớn chưa thể thực hiện”.

Lý giải hạn chế này, đại diện  TTYTDP Quảng Ninh cho rằng: “Giá thành vật tư, hóa chất, trang thiết bị, điện, nước phục vụ công tác kiểm nghiệm VSATTP quá cao so với giá thu phí, lệ phí y tế dự phòng, nên việc thực hiện kiểm nghiệm gặp rất nhiều khó khăn…”. “Chưa kể, năng lực cán bộ xét nghiệm còn hạn chế. Họ hầu hết đều không phải cán bộ chuyên trách, không được đào tạo chuyên môn nên việc kiểm nghiệm thực phẩm rất khó khăn”, đại diện  TTYTDP Bình Thuận tiếp lời.

“Dung túng” cho sai phạm

Tại buổi giao ban, ông Nguyễn Công Khẩn cho rằng, việc sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường nhiều loại chưa đảm bảo an toàn, ngoài nguyên nhân do công tác kiểm nghiệm còn hạn chế thì việc xử phạt chưa triệt để, nương tay với các sai phạm này cũng là lý do.
 
"Bó tay" với nhiều mẫu kiểm nghiệm! - 2
Cán bộ Sở Y tế Hà Nội lấy mẫu thịt chó xét nghiệm các chỉ tiêu vi sinh (Ảnh: H.Hải)
 
Đây là một lỗi rất phổ biến của các thanh tra khi phát hiện sai phạm của cơ sở. Thậm chí, nhiều khi phát hiện, thanh tra chỉ dừng ở mức cảnh cáo nên không đủ sức răn đe, cơ sở sản xuất rất dễ tái diễn vi phạm ở những lần tiếp theo. Như tại Kiên Giang, số cơ sở vi phạm ở tuyến huyện bị xử phạt chỉ chiếm 0,34%. Tại Trà Vinh số cơ sở vi phạm chỉ bị nhắc nhở chiếm 92,6%, tại Vĩnh Long số cơ sở vi phạm bị  nhắc nhở chiếm 85,5%.

Chưa kể, hiện theo quy định thì mức phạt thường là quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe đối với cơ sở kinh doanh, sản xuất. Theo báo cáo của Sở Y tế Hải Dương, gần đây, các doanh nghiệp có công nhân bị ngộ độc thực phẩm còn lợi dụng kẽ hở về quản lý VSATTP để phi tang mẫu lưu thực phẩm nghi ngộ độc. Nếu lỗi mất mẫu lưu chỉ bị phạt 600.000 đồng, trong khi tìm ra nguyên nhân gây ngộ độc thì sẽ bị phạt 10-15 triệu đồng.

Ngoài ra, thanh tra nhiều địa phưong không nắm vững phạm vi thanh tra, kiểm tra vì thế bỏ qua nhiều hành vi vi phạm. Như tại Bắc Ninh, Trà Vinh cho rằng cơ sở sản xuất nước uống đóng chai không cần giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Hay như tại Bến Tre, dù thanh tra kiểm tra và phát hiện nước đóng chai có nhiễm trực khuẩn mủ xanh nhưng không công bố kịp thời cho người tiêu dùng, không đình chỉ sản xuất mà chỉ giao doanh nghiệp tự khắc phục vì cho rằng không nguy hại cho người sử dụng…

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn, để khắc phục những hạn chế này, nâng cao chất lượng kiểm nghiệm thực phẩm, sắp tới Bộ sẽ trình Chính phủ một nghị định riêng để xử phạt ATVSTP, kiến nghị thay đổi lệ phí kiểm nghiệm.

Hồng Hải