“Bố Chi” với bệnh nhân nghèo Bình Định

(Dân trí) - Chưa kịp ngồi, lại đứng dậy nghe điện thoại; ngồi xuống viết liên hồi… Chặc lưỡi: “Thật thương tâm! Mình phải đi đây!” là hình ảnh hằng ngày của thầy thuốc ưu tú, bác sỹ Trang Xuân Chi, cộng tác viên của Hội chữ Thập đỏ Bình Định.

Ân nhân của những mảnh đời bất hạnh

 

Bất ngờ vì trên giá sách của BS Trang Xuân Chi có rất nhiều cặp tài liệu ghi ở bìa những cái tên gợi nhiều nỗi niềm: Da cam, Dị dạng, Tật nguyền, Xe lăn, Mổ tim, Mổ mắt, Hiến máu nhân đạo… Câu chuyện bắt đầu giữa tôi và ông liên tục bị ngắt quãng, khi thì của tổ chức từ thiện, khi thì các nhà hảo tâm, lại có lúc tiếng kêu khóc thê thảm của trẻ em lẫn người lớn, lúc sau là những bà mẹ địu con bước vào.

 

“Bận thế đấy con ạ nhưng bố rất vui, vui vì mình đã cần họ(?). Làm nhân đạo là phải làm từ cái tâm của mình, tuyệt đối không có tư tưởng ban ơn và cũng đừng phân biệt là người nào, ở đâu. Không chỉ giúp cho người Bình Định, bố cũng có thể gần gũi với nhiều nguời ở Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên…”, bố Chi tâm sự.

 

Để có nguồn hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bố Chi cũng có lúc phải đổi những bữa cơm gia đình và giấc ngủ của người già. 73 tuổi đời, trên 50 năm tuổi nghề, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và 12 năm tình nguyện viên của chi Hội Chữ thập đỏ tỉnh, “được sống vì người nghèo” là ước mong, là niềm vui của nguyên BS chuyên khoa cấp 1 (BV Quân Y 103), “già nhưng không chịu ngồi yên một chỗ”.

 

Người ta quen gọi ông thân mật là “nhà báo từ thiện”, là “bố Chi”. Còn ông, “Tui nghĩ, để giúp giảm nhẹ nỗi đau của những cảnh đời bất hạnh phải cần đến sự hợp sức của nhiều tấm lòng. Để được vậy, chỉ bản thân thăm khám bệnh và phát thuốc không đủ, mà tui tìm người kêu gọi dùm, nhờ các báo cho đăng những trường hợp đáng thương đó. Nghĩ vậy nên tui mạnh dạn làm...”, bố Chi cởi mở.

 

Sau khi được nghỉ hưu, rời khỏi bệnh viện Quân y 103, là một thầy thuốc ưu tú, một bác sỹ đa tài nhưng ông không màng đến việc mở phòng mạch riêng, cũng như từ chối tất cả những lời mời từ các dịch vụ y tế tư nhân mà xắn tay ngay vào công tác giúp đỡ, lo lắng và sát sao với bệnh nhân nghèo. Ông nói: “Làm hết những gì mình có thể làm được cho những đứa trẻ bị bệnh tật ngặt nghèo, những gia cảnh thương tâm, những người neo đơn. Họ thực sự là nỗi trăn trở của mình suốt hằng đêm không ngủ đó”.

 

“Bố Chi” với bệnh nhân nghèo Bình Định - 1

BS Chi đang khám miễn phí cho bệnh nhân nghèo miền núi An Lão

Cứu giúp những đứa trẻ khỏi tay của thần chết trở về cuộc sống đời thường bình an; giúp các em bé mồ côi cha mẹ có được ngôi nhà để ở; những cụ già, phụ nữ nghèo mắc bệnh nan y và kêu gọi hiến máu nhân đạo cứu người… Với bố Chi đó là một dòng chảy tất yếu của cuộc đời!

 

Những lời tri ân cuộc sống

 

“Không thể đếm được những việc mình đã làm bởi nó không có con số. Đã nghĩ cho người nghèo là không màng đến ân nghĩa”. Nhưng với bản thân thì khác, ngoài sự giúp đỡ của các bệnh viện địa phương, ông nói: “Mình còn mang ơn nhiều người như bác sĩ Bùi Đức Phú ở Bệnh viện T.Ư Huế, TS Nguyễn Tài Sơn ở Viện Quân y 108, TS Lê Thị Ánh Hồng ở Viện Vệ sinh dịch tể TƯ  rất nhiều. Chính họ đã thêm sức, tiếp niềm tin cho việc cứu chữa những đứa trẻ không may”.

 

Tôi cũng đã gặp và đọc thư cảm ơn của nhiều người được BS Chi giúp đỡ, tất cả đều nói: "Bố Chi là ân nhân của gia đình tôi" . Ông Hồ Hoàn Kiếm (Hoài Hải, Hoài Nhơn), một trong số rất nhiều người có người thân được BS Chi kêu gọi giúp đỡ để chữa bệnh, xúc động nói: “Bố Chi đã sinh ra con tôi lần thứ hai". Và đến cả những người giàu, những bệnh nhân không qua ông cũng phải thốt lên: "Tôi kính trọng BS Trang Xuân Chi!".

 

“Hơn 10 năm công tác tại Hội, thầy thuốc ưu tú, BS Trang Xuân Chi có cái tâm nhân đạo tuyệt vời. Ông làm việc nhân đạo một cách vô tư, trong sáng và đầy nhiệt huyết. Đối với công tác Hội, ông làm việc rất tận tụy, có tinh thần trách nhiệm cao, đóng góp nhiều công sức cho hoạt động Hội Chữ thập đỏ và phong trào nhân đạo xã hội tỉnh nhà”, ông Đào Duy Chấp, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Bình Định nhận xét.

 

Còn với gia đình, ông chỉ biết: “Xin cảm ơn vợ và các con, cùng gia đình bên ngoại đã giúp tôi dành trọn thời gian của mình cho công tác nhân đạo. Họ chính là liều thuốc bổ, duy trì sức sống cho tôi hàng ngày!”.

 

Phút chia tay bịn rịn, bố Chi xua lời cảm thông: “Tuy rất bận nhưng bố vẫn cố gắng dành thời gian để nghiên cứu thêm về một số bệnh nội khoa, đi tìm những bài thuốc gia truyền trong nhân gian và viết các bài báo chuyên môn, nhân đạo xã hội. Chúng ta hãy cứu lấy những cảnh đời…”.

 

Hà Khê