Bình Dương: Lo ngại ngộ độc tập thể

Số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lên đến 16.551 với số suất ăn ước tính 386.385 suất/ngày, Bình Dương là một trong những điểm “nóng” về nguy cơ cũng như số vụ ngộ độc tập thể.

Bình Dương: Lo ngại ngộ độc tập thể - 1

  

Tỉnh Bình Dương có đặc thù riêng với 29 Khu công nghiệp và cụm công nghiệp, thu hút hơn 600.000 lao động ngoài tỉnh đến làm ăn sinh sống. Tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hiện lên đến trên 16.500 cơ sở, gồm cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 1.280 bếp ăn tập thể và cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, trong đó tuyến tỉnh quản lý 617 cơ sở cung cấp 500 suất/ngày trở lên, với tổng số suất ăn ước tính trên 386 ngàn suất/ngày; gần 3000 nhà hàng, quán ăn, trên 800 cơ sở thức ăn đường phố.

 

Vì thế “An toàn thực phẩm cho các bếp ăn tập thể là một trong những ưu tiên của công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại địa phương", BS-CKI Nguyễn Văn Đạt, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Bình Dương cho biết.

 

Với số lượng quá lớn cơ sở cung cấp suất ăn, ông thấy khâu nào là đáng ngại nhất trong quản lý thực phẩm tại  Bình Dương?

 

BS Nguyễn Văn Đạt: Theo giám sát của chúng tôi, ngộ độc thực phẩm luôn xảy ra trong suốt 10 năm qua tại các bếp ăn tập thể. Trung bình 7 vụ/năm. Trong đó nguyên nhân do vi sinh vật chiếm khoảng 50%. Đều này cho thấy điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo. Tiếp đến là ngộ độc dị ứng với cá biển (chiếm 40%), do hóa chất và không rõ nguyên nhân chiếm 10%. Các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tập trung vào các thời điểm giao mùa tháng 5,6 và tháng 11,12. Năm 2009 xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ tại các bếp ăn tập thể với 387 ca mắc; Năm 2010 xảy ra 02 vụ ngộ độc thực phẩm với 108 người mắc. Các năm gần đây, các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra chủ yếu tại các khu công nghiệp phía bắc vừa mới hình thành và tại các bếp ăn tập thể chưa được kiểm tra hướng dẫn về VSATTP.

 

Với lượng lớn suất ăn tập thể hàng ngày, nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm đã được kiểm soát ở mức độ nào?

 

Đặc điểm ngộ độc thức ăn ở tỉnh Bình Dương là xảy ra sớm sau khi ăn với triệu chứng chủ yếu đau bụng, buồn nôn, nôn và đau đầu, hiếm khi có sốt hoặc tiêu chảy. Điều này cho phép nghĩ nhiều đến nguyên nhân ngộ độc có liên quan đến hóa chất, độc tố vi khuẩn ô nhiễm trước đó trong nguyên liệu thực phẩm chế biến thức ăn.  Bởi vậy, quản lý nguyên liệu đầu vào là  vấn đề rất được quan tâm nhưng thực sự còn hạn chế trong kiểm soát.

 

Nguồn nguyên liệu thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể chủ yếu được đưa vào từ các tỉnh lân cận trong khi các chợ tự phát liên tục mọc lên. Đối với thuỷ hải sản, việc kiểm tra chủ yếu dựa vào cảm quan, test nhanh phát hiện histamine chưa được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho phép lưu hành.  Bộ Y tế có quy định chủ cơ sở bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn phải lập sổ theo dõi nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm đầu vào, cơ sở chỉ cần xuất trình hóa đơn chứng từ là được xác định có nguồn gốc, xuất xứ. Nhưng thực tế thực phẩm lưu thông có đường đi phức tạp từ tỉnh này qua tỉnh khác trước khi vào Bình Dương. Khi xảy ra ngộ độc, việc điều tra nguồn gốc, xuất xứ thường mất dấu, không truy nguyên được nguồn gốc để có biện pháp thu giữ, ngăn chặn.

 

Ngoài ra, cũng chưa thể quản lý các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn từ TPHCM và Đồng Nai vận chuyển suất ăn đến Bình Dương, một số trong đó đã để xảy ra ngộ độc thực phẩm, tuy nhiên kể từ 2006, các vụ ngộ độc thực phẩm đều được tiến hành điều tra, kết luận thông qua hội đồng khoa học và hầu hết đều xác định được nguyên nhân.

 

Theo ông yếu tố nào giúp Bình Dương có được kết quả như trên?

 

Ban Quản lý các khu công nghiệp chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về điều kiện vệ sinh thực phẩm bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp; Sở Giáo dục chịu trách nhiệm về điều kiện vệ sinh thực phẩm. Trong các trường học đã thành lập Tổ an toàn vệ sinh thực phẩm là đầu mối chủ động phối hợp, xây dựng kế hoạch với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, mục tiêu giảm thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt xảy ra tại khu công nghiệp và trường học.

 

Hiện nay, tại các doanh nghiệp đã ban hành chính sách an ninh thực phẩm bao gồm: xét chọn nguyên liệu nấu ăn trước khi nhập kho, quy trình kiểm soát sơ chế, chế biến, phân chia thức ăn và kiểm soát các điều kiện an ninh thực phẩm. Thành lập tổ tự quản VSATTP, định kỳ tổ chức giám sát VSATTP đối với nhà bếp nội bộ hoặc cơ sở cung cấp thức ăn đã hợp đồng với cơ sở có bếp ăn tập thể. Từng bước, hợp đồng giá suất ăn theo mức khuyến nghị tối thiểu của Sở Y tế tỉnh Bình Dương hàng năm. Đặc biệt, có hơn 90% bếp ăn an toàn đủ điều kiện đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2010 xảy ra 02 vụ ngộ độc thực phẩm, so với bình quân 10 năm qua giảm được 5 vụ và so với năm 2009 giảm được 8 vụ.

 

Theo Thành Nam

Sức khỏe & An toàn thực phẩm