Kiến thức giới tính:

Biện pháp tình dục khi cả 2 cùng nhiễm HIV

“Tôi và bạn gái cùng đã nhiễm HIV, có cần phải dùng bao cao su? Tuy vẫn khoẻ mạnh nhưng nên được theo dõi như thế nào và khi nào cần điều trị?”

Trả lời

 

Quan hệ tình dục giữa 2 người đã nhiễm HIV chắc chắn vẫn cần dùng bao cao su, vì nhiều chủng HIV khác nhau có thể bị lây truyền làm cho việc điều trị càng trở nên khó khăn hơn.

 

Sự truyền một chủng HIV sang một người đã nhiễm HIV gọi là tái lây nhiễm, làm cho việc điều trị cho mỗi người sẽ trở nên khó khăn hơn, thậm chí không còn tác dụng với nữa. Cũng nên nhớ rằng sử dụng bao cao su còn rất quan trọng để phòng bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. 

 

Theo dõi diễn biến của người nhiễm HIV bằng cách định lượng HIV trong máu.  Mục tiêu của điều trị là làm cho số lượng HIV trong máu càng ít càng tốt. Những người có số lượng HIV cao trong máu thì có xu hướng ở nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao hơn và dễ chuyển thành AIDS hơn.

 

Rất tiếc là các liệu pháp hiện nay chưa thể loại trừ hoàn toàn HIV ra khỏi cơ thể nhưng làm cho số lượng HIV trong máu thấp dưới mức có thể phát hiện được đang là mục tiêu lớn của các phương pháp chữa trị. Thầy thuốc căn cứ vào số lượng HIV trong máu để quyết định khi nào cần bắt đầu điều trị và nên dùng loại thuốc nào.

 

Bác sĩ cũng cần cho xét nghiệm máu để theo dõi số lượng các limphô T4 (còn gọi là CD4), đó là chỉ số có ích để hướng dẫn điều trị và theo dõi tiến triển. Người nhiễm HIV được coi là "bình thường" khi tế bào T4 trên 500; nếu tụt dưới 200 là đã bị AIDS. Cần điều trị cho người nhiễm HIV chưa thể hiện triệu chứng khi số lượng T4 tụt dưới 350 và số lượng HIV quá 30.000.

 

Tuy nhiên cần xét nghiệm nhiều lần liên tục mới có giá trị vì số lượng limphô T4 dễ thay đổi. Với tất cả người nhiễm HIV đã thể hiện triệu chứng thì đều cần được điều trị bất kể số lượng tế bào T4 hay số lượng HIV trong máu như thế nào.

 

Bác sĩ Đào Xuân Dũng

Theo Tuổi Trẻ