“Bí quyết” sinh trẻ nặng nhất Việt Nam

"Gia đình chúng tôi hoàn toàn bị bất ngờ khi được bác sĩ thông báo về cân nặng của cháu: 6,6kg - thật khó tin. Theo tiên lượng trước khi sinh, cháu nặng khoảng 4,5kg", chị Nguyễn Thị Liên, mẹ cháu bé sơ sinh nặng nhất Việt Nam tâm sự như vậy.

Cân nặng vượt quá cả... máy quy định

 

Theo BS Lưu Quốc Khải, trưởng khoa D5, BV Phụ sản Hà Nội, mẹ cháu bé nhập viện ngày 26/3 với chẩn đoán thai 37 tuần tuổi bị rau tiền đạo. Cháu bé trai nặng nhất Việt Nam chào đời 19h20’ phút ngày 2/4, sau gần 1 tuần nhập viện theo dõi sức khoẻ. Chị Liên được bác sĩ Khải trực tiếp theo dõi bởi bệnh lý rau tiền đạo và thai được dự đoán là to.

 

“Trước ca phẫu thuật, chúng tôi cũng đã chuẩn bị trước nhiều nguy cơ đối với mẹ và bé, vì mẹ có bệnh lý rau tiền đạo và thai quá to nên có thể bị mất máu khi phẫu thuật. Lần siêu âm cuối cùng, số cân của bé đã vượt quá cân của phần mềm quy định trên máy siêu âm. Máy siêu âm chỉ cài thông số nặng nhất là 4,5kg, với trường hợp này máy đã không thể đo được chính xác cân của cháu bé, nên chúng tôi chỉ dám nói là khoảng trên 4,5kg”, BS Khải cho biết.

 

Cũng theo BS Khải, cháu bé khi ra đời bị hạ đường huyết và được chuyển tới phòng theo dõi đặc biệt. Các bác sĩ đã cho cháu thở máy 2 ngày và truyền dịch. Đến ngày 10/4, bé mới được đưa về nằm cùng mẹ. Theo BS Khải, lý do cháu bé này bị hạ đường huyết vì cơ thể quá lớn nên cần nhiều dinh dưỡng đáp ứng đủ cho trọng lượng, nên việc hạ đường huyết là chuyện bình thường. Với cháu bé nặng nhất Việt Nam này, sau khi hạ đường huyết, hô hấp sẽ rất yếu, gây ra việc thở rất khó khăn vì bé sơ sinh dù cân có nặng nhưng vẫn yếu. Tuy nhiên, BS Khải cũng cho rằng, gia đình không nên quá lo lắng về tình trạng sức khoẻ hiện nay của cháu.

 

Dinh dưỡng bằng... đồ ngọt và hải sản!

 

Chị Liên cho biết, chế độ dinh dưỡng của chị cũng không có gì gọi là “sơn hào hải vị” mà vẫn ăn những thức ăn theo thói quen và sở thích. Trong thời kỳ mang thai, chị Liên ăn rất khoẻ, đặc biệt thích ăn đồ ngọt, sữa cho bà bầu và đồ hải sản. Chị Liên sinh đứa con gái đầu chỉ nặng 3,1kg, trong thời gian mang thai này không hề thích ăn ngọt. Vậy mà khi mang thai đứa sau, đồ ngọt được đứng hàng thứ nhất trong thực đơn hàng ngày của chị.

 

Chị Liên cũng cho biết thêm, tới tuần thứ 32, khi xét nghiệm máu, thấy chỉ số đường hơi cao nên ngay sau đó chế độ dinh dưỡng của chị đã được loại bỏ bớt đồ ngọt, nhưng không hiểu sao cháu bé khi sinh ra vẫn có số cân nặng như vậy.

 

Chị Liên, 39 tuổi, nhà ở Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hiện là diễn viên nhà hát Cải lương Việt Nam. Chị Liên có chiều cao 1m58, chồng chị Liên cao 1m72, nặng 73kg. Theo chị Liên, gia đình chị cũng như họ hàng xa gần chưa có ai sinh con nặng quá 4,5kg. Từ ngày mang bầu, chị Liên tăng liên tục hơn 30kg và trước ngày sinh cháu bé, chị Liên nặng tới 83kg.

 

Hiện nay, mỗi ngày cháu bé uống thêm sữa ngoài khoảng 4-5 lần, mỗi lần 100ml, chưa kể sữa mẹ. Cũng theo chị Liên, hôm nay, (ngày 14/4) gia đình sẽ đưa cháu vào BV Nhi điều trị giảm cân, vì hiện nay đường huyết của cháu hơi thấp hơn bình thường. Chị đang nghi ngờ con trai bị hạ đường huyết có thể do ảnh hưởng từ ... ông ngoại bé vốn là người bị mắc bệnh tiểu đường.

 

“Tôi và gia đình đang rất lo lắng về thể trạng của cháu. Khi thông báo cân nặng của cháu cho bố cháu biết, anh ấy đã hết sức kinh ngạc và còn trách tôi là ăn quá hướng dẫn dinh dưỡng của bác sĩ”, chị Liên cho biết.

 

Có trường hợp phải cắt bỏ tụy

 

Trao đổi với PV GĐ&XH, TS Trần Thị Hoàn, Trưởng khoa Nội tiết chuyển hoá di truyền, BV Nhi TƯ cho biết, những trường hợp sinh ra quá lớn thường có những triệu chứng như hạ đường huyết, tăng cường insulin. Phần lớn những ca này có mẹ bị tăng lượng đường trong thời kỳ thai nghén nên con thường to bất thường.

 

Cũng theo TS Hoàn, khoảng 20% bà mẹ tăng lượng đường trong thời kỳ thai nghén, sau khi sinh con không mắc bệnh tiểu đường. Những trường hợp thai to, thai chết lưu, thường xuyên sảy thai, thường có những triệu chứng tăng lượng đường khi mang thai.

 

TS Hoàn cho biết thêm, những em bé quá nặng cân khi vào điều trị trong Khoa sẽ được điều trị nội khoa bảo tồn. Còn với những trường hợp nặng như tăng cường insulin sẽ mổ cắt tụy. BV Nhi TƯ cũng đã tiến hành mổ thành công cắt tuỵ cho 10 trường hợp bệnh nhi cân nặng hơn bình thường. Nhưng TS Hoàn cảnh báo, những bệnh nhi sau khi cắt bỏ tụy khi lớn dễ mắc bệnh tiểu đường.          

 

Theo V.K

 Gia đình & Xã hội