Bị lao đường ruột vì sữa tươi nhiễm khuẩn

(Dân trí) - Khoa Cấp cứu bụng Bệnh viện Việt Đức vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân P.T.C (39 tuổi, ở Ba Vì- Hà Tây) nhập viện trong tình trạng suy kiệt, bụng chướng to, ấn vào thấy đau nhiều, có vết rò nứt chảy mủ trắng hôi thối. Đây là biểu hiện của căn bệnh lao đường ruột.

Trước đó một tuần bệnh C có tình trạng đau bụng cơn, nôn, bí trung tiện, sau đó bụng ngày càng căng, chướng và đau đớn.

 

Tiến hành phẫu thuật cấp cứu bằng phương pháp mở ổ bụng, các bác sĩ phát hiện trong bụng bệnh nhân chứa đến 2 lít mủ trắng, nặng mùi, các quai ruột bị dính.

 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là một ổ áp xe lớn của manh tràng đã khiến mủ chạy khắp ổ bụng, ngoài ra đoạn hồi tràng cũng bị thủng khiến tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân càng thêm nặng nề.

 

Để cứu mạng sống của bệnh nhân các phẫu thuật viên đã tiến hành cắt đoạn hồi manh tràng, đưa hai đầu ruột ra ngoài.

 

Theo đánh giá chuyên môn, bệnh nhân đã ở giai đoạn nặng, đe dọa đến tính mạng do không được phát hiện và điều trị kịp thời.

 

Các bác sĩ chuyên khoa cho biết: Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa đặc hiệu do trực khuẩn lao gây nên. Loại bệnh này tuy không thường gặp nhưng rất nguy hiểm vì khó chẩn đoán và tỷ lệ biến chứng dẫn đến tử vong khá lớn (trên 15%). Bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi 30 - 55.

 

Tác nhân gây bệnh gồm vi khuẩn lao ở người và các loại khuẩn lao của vật nuôi như bò, dê, chim... Chúng xâm nhập trực tiếp qua đường ăn uống, chủ yếu do dùng sữa bò tươi và các chế phẩm sữa có trực khuẩn lao bò; bú sữa mẹ, sử dụng thức ăn và nước uống nhiễm trực khuẩn lao. Cũng có những trường hợp bệnh có nguyên nhân từ vi khuẩn lao ở phổi, chúng đi qua đường máu, đường mật để vào ruột gây bệnh.

 

Điều nguy hiểm là triệu chứng ban đầu của lao ruột khá âm thầm. Biểu hiện chủ yếu là đau bụng âm ỉ kéo dài, gầy sút, chán ăn kèm theo rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc táo bón, sốt nhẹ về chiều, đổ mồ hôi trộm...

 

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ gặp các biến chứng như tắc ruột, có khối u giống u đại tràng, thủng ruột, viêm phúc mạc, xuất huyết tiêu hóa nặng và hội chứng kém hấp thu, dẫn đến suy kiệt và tử vong.

 

Tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TƯ những bệnh nhân lao ruột được điều trị chủ yếu bằng phương pháp DOTS (tên gọi tắt của chương trình Quan sát trực tiếp cách điều trị ngắn hạn). Các chuyên gia sẽ theo dõi việc uống thuốc hằng ngày của bệnh nhân để bảo đảm rằng họ đang sử dụng thuốc điều trị. Bệnh nhân được dùng phối hợp 4 thứ thuốc (đối với lao mới) hoặc 5 thứ thuốc (đối với lao điều trị thất bại). Việc phẫu thuật chỉ áp dụng trong trường hợp lao ruột có biến chứng (như trường hợp của bênh nhân C).

 

Phòng tránh lao ruột

 

Theo các chuyên gia về Lao, trong điều kiện chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh như ở nước ta, sữa bò tươi chưa tiệt trùng là một trong những nguồn thực phẩm chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm, trong đó có bệnh lao ruột.

 

Ngoài ra, những người có tiền sử bệnh lao hoặc chăm sóc bệnh nhân lao, người sống trong môi trường bị ô nhiễm cao cũng cần lưu ý: Khi thấy có những biểu hiện bất thường về tiêu hoá, sút cân, chán ăn… cần đi khám ở các cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Để bệnh tiến triển nặng sẽ gây nguy hiểm cho cả bản thân và cộng đồng, chưa kể chi phí không nhỏ cho quá trình điều trị rất lâu dài.

 

P. Thanh