Bệnh viện... hết thuốc

Kết quả đấu thầu thuốc những tháng đầu năm 2007 vẫn chưa được Sở Y tế TPHCM thông qua khiến nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố lâm vào cảnh “khát” thuốc điều trị.

Nhiều bệnh viện cho rằng, đến hết tháng 8, nếu chưa có kết quả xét thầu thuốc sẽ không còn thuốc điều trị cho bệnh nhân và khi đó hậu quả sẽ rất  khó lường.

 

Hết sạch cả thuốc dự phòng

 

Sự lo lắng của những người quản lý bệnh viện ngày càng tăng khi cuối tháng 7 vừa qua lượng thuốc điều trị cho bệnh nhân trên hầu hết các bệnh viện trực thuộc thành phố đã  cạn kiệt.

 

TS. BS Hoàng Quốc Hòa, Phó GĐ Bệnh viện Nhân dân Gia Định TPHCM cho biết: Bệnh viện đã nộp hồ sơ đấu thầu thuốc cho Sở Y tế từ tháng 3/2007, nhưng đến nay vẫn chưa thấy kết quả, trong khi đó thời gian trôi qua là nỗi lo phập phồng vì hết thuốc điều trị.

 

Tại bệnh viện này, loại thuốc thiếu nhiều nhất là kháng sinh và thuốc cấp cứu - 2 loại thuốc quan trọng. Dược sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Trưởng khoa Dược của bệnh viện cho biết, có một số loại kháng sinh như Aumentin dùng để điều trị bệnh đường hô hấp trên mỗi tháng dùng hết 2.000 lọ hay netromycin điều trị bệnh nhiễm khuẩn gr (-) đều đã hết sạch.

 

Thuốc cấp cứu tiêu cục máu đông trong điều trị nhồi máu cơ tim cũng trong tình cảnh tương tự. Cũng theo dược sĩ Nhàn, mặc dù bệnh viện cũng đã có cơ số thuốc dự phòng nhưng đã hết trong tháng 7. Vì vậy, nhiều loại thuốc thiết yếu đã hết phải mua ngoài ở một số Cty dược với giá cao hơn.

 

Tại Bệnh viện 115, tình trạng “khát” thuốc càng nghiêm trọng hơn Dược sĩ Đoàn Minh Phúc, Trưởng khoa Dược Bệnh viện 115 cho biết, đến nay gần 800 mặt hàng thuốc của bệnh viện đã gần cạn và đến hết tháng 8 bệnh viện sẽ thiếu thuốc toàn diện kể cả cơ số thuốc dự trữ.

 

Bác sĩ Dương Quốc Khánh, Giám đốc Bệnh viện 115 than thở: “Hướng giải quyết việc hết thuốc điều trị cho bệnh nhân đã không nằm trong tầm của bệnh viện nữa mà tùy vào cấp trên. Vì vậy mà hai nỗi lo song hành: mua thuốc ở ngoài điều trị cho bệnh nhân thì sợ vi phạm quy chế còn để bệnh nhân chờ thuốc dẫn đến hậu quả xấu thì… trách nhiệm y đức của bác sĩ ở đâu”.

 

Người bệnh chịu thiệt

 

Một số bác sĩ hiến kế nên tháo gỡ cơ chế đấu thầu thuốc- nghĩa là không nên xem đấu thầu thuốc giống như đấu thầu xây dựng. Thuốc không xác định được số lượng cho mỗi bệnh viện dùng bao nhiêu vì tùy theo cơ cấu bệnh, mùa bệnh… nên kế hoạch sử dụng thuốc của từng bệnh viện cũng thay đổi.

 

Bác sĩ Dương Quốc Khánh cho rằng, tốt nhất ở TPHCM nên cho đấu thầu thuốc tập trung và nên thành lập Trung tâm đấu thầu thuốc. Dược sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng cùng ý kiến và cho rằng nên gom về một mối và chỉ nên đấu thầu các loại thuốc thiết yếu. Làm như vậy việc đấu thầu thuốc mới không kéo dài, gây khó khăn đến việc điều trị tại một số bệnh viện như hiện nay và kéo theo những ảnh hưởng cho người bệnh.

 

“Nếu như tình trạng xét đấu thầu thuốc còn chậm, bệnh viện hết thuốc, bệnh viện chỉ còn cách mua thuốc ngoài, không thông qua đấu thầu cho dù bị vi phạm, thậm chí bị xử lý. Nhưng, người thua thiệt nhất vẫn là người bệnh”- bác sĩ Khánh nói.

 

Ngoài bị thiệt thòi do hết thuốc điều trị, người bệnh sẽ chịu phải điều trị thuốc giá cao nếu như bệnh viện mua thuốc ngoài đấu thầu. Những bệnh nhân điều trị bảo hiểm y tế sẽ thua thiệt nhiều hơn.

 

Bác sĩ Khánh cho biết, một khi thuốc không vào được bệnh viện, bệnh nhân phải mua thuốc ở ngoài thị trường, do đó, bảo hiểm sẽ không thanh toán thuốc đó và hậu quả là có bảo hiểm nhưng người bệnh cũng phải chi tiền. Đó là chưa kể khi mua ngoài thị trường giá thuốc lại cao hơn. 

 

Theo Lê Nguyễn

Tiền phong