Bệnh viện Bạch Mai: Tự nghiền rác y tế để... bán giá cao

Kết quả điều tra về việc rác y tế được bán cho tư thương đến nay đã đủ bằng chứng để khẳng định: Bệnh viện Bạch Mai - bệnh viện (BV) lớn nhất Hà Nội - không những bán rác thải y tế mà còn mua cả máy về nghiền để bán… được giá hơn.

BV Bạch Mai: Mua máy về nghiền cho hiệu quả!

 

Cục Cảnh sát môi trường (C36) phát hiện ngoài BV Việt-Đức, BV Bạch Mai đã bán hàng chục tấn rác thải y tế cho tư thương để sản xuất đồ gia dụng. Một số tư thương nại rằng, họ không biết những bột nhựa đã mua có nguồn gốc từ rác thải y tế (với đầy rẫy vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm) nên đã tái chế thành các đồ gia dụng như thìa nhựa (phổ biến là loại dùng một lần bán kèm xuất cơm hộp, sữa chua), bát, đĩa… thậm chí là hộp đựng sữa chua. 

 

Nghiêm trọng hơn, không những trực tiếp bán rác thải y tế của BV cho tư thương, Khoa chống nhiễm khuẩn BV Bạch Mai còn đầu tư mua hẳn một máy nghiền thủ công các rác thải y tế của BV. Bơm kim tiêm, dây chuyền dịch… sau khi đã qua sử dụng ở các khoa của BV đã được đưa về khoa chống nhiễm khuẩn để dùng hóa chất súc rửa, sau đó đưa vào máy cắt, nghiền. Nếu như rác thải y tế chưa qua sơ chế có giá khoảng 6.000 đồng/kg thì sau khi được cắt, nghiền ở BV Bạch Mai, rác thải y tế đã có giá hơn... 10.000 đồng/kg.

 

Bạch Mai là BV thuộc loại lớn nhất nước với khối lượng rác thải y tế khổng lồ thải ra hàng tháng. Hiện các cá nhân liên quan ở Bạch Mai chỉ thừa nhận đã bán vài chục tấn rác thải y tế ra bên ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, số rác thải độc hại bán ra lớn hơn nhiều. Thậm chí, kết quả điều tra còn cho thấy, một số hộ lý, y tá ở các khoa khác trong bệnh viện cũng biển thủ chất thải y tế của khoa mình để bán cho tư thương, thay vì tập hợp chuyển về khoa chống nhiễm khuẩn như quy định. Khi làm việc với cơ quan điều tra, các cá nhân liên quan ở BV này bao biện, họ bán rác thải y tế là để cải thiện… bữa cơm trưa! Trong khi đó, một phó giám đốc BV tuy thừa nhận sai phạm nhưng vẫn nèo thêm: “Nếu không tái chế thì… lãng phí quá”!

 

Trong khi đó, Trưởng khoa chống nhiễm khuẩn BV Việt-Đức (nơi đã bán 300 tấn rác thải bệnh viện cho tư thương) thì lý giải rằng ông không biết rác thải y tế là độc hại nên mới đồng ý cho… bán! Kết quả  điều tra đến nay cũng đã xác định, BV K Hà Nội đã bán khoảng 50 tấn rác thải y tế cho tư thương.

 

Tuy nhiên, việc bán rác thải y tế không chỉ diễn ra ở các BV trên. Mới đây, trong chuyến công tác tại tỉnh Điện Biên, một cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh này cho biết: Do không có kinh phí tiêu hủy nên rác thải y tế của các BV lớn trên địa bàn đã được đưa thẳng ra bãi rác, sau đó người dân đi thu gom về bán cho tư thương. “Tình trạng như ở Điện Biên và ở BV Việt Đức, Viện K… là khá phổ biến,” Phó Cục trưởng C36 Lương Minh Thảo cho biết.

 

Mặc dù trong ngành y tế ai cũng bắt buộc phải biết loại rác này cấm bán, phải tiêu hủy, xử lý nghiêm ngặt để không gieo mầm bệnh cho dân nhưng nhiều BV vẫn bán rác thải y tế. Theo ông, ngoài lý do chạy theo lợi nhuận, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do chế tài xử lý còn nhẹ. “Chúng tôi đang bàn bạc, kiến nghị để ra hướng dẫn theo hướng tới đây, BV nào bán từ 3-5 tấn rác thải y tế/năm trở lên sẽ bị xử lý hình sự”, ông Thảo nói.

 

Rác thải độc hại, ai cũng muốn mua

 

Trong đợt cao trào ngăn chặn tình trạng rác thải nguy hại để sản xuất đồ gia dụng, C36 vừa phát hiện Công ty Sợi hóa học thế kỷ mới ở Khu công nghiệp Cái Lân (Quảng Ninh) đã nhập lậu trên 150 tấn rác thải thuộc danh mục cấm nhập khẩu về tái chế sản xuất đồ gia dụng. Theo giấy phép, công ty này chỉ được nhập khẩu vỏ chai nước tinh khiết nhưng trên thực tế, công ty đã nhập các loại vỏ chai nước hoa quả đã qua sử dụng về tái chế từ châu Âu,  hoặc từ lãnh thổ Đài Loan. Trong đó, công ty tự tái chế gần 70 tấn, còn lại ký hợp đồng, chuyển giao cho Công ty Kim Thành ở Hải Dương để tái chế thành đồ gia dụng.

 

Công ty Kim Thành và Công ty Sợi hóa học thế kỷ mới đã thừa nhận hành vi sai phạm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng của mình. Ngay cận kề Hải Dương, Hà Nội, C36 phát hiện ở làng Khoai, Minh Khai, thị Trấn Như Quỳnh, Hưng Yên, chuyên thu gom rác thải công nghiệp độc hại về phân loại để bán cho các cơ sở tái chế.

 

Ngoài những rác thải có thể tái sử dụng, làng này đã đem tất cả rác thải khác đốt ở dọc bờ sông Thiên Đức, gây ô nhiễm môi trường cho toàn bộ khu vực dân cư gần đó.  Bà Đinh Thị Tuyết, một trong số những chủ chuyên thu gom rác thải công nghiệp ở Như Quỳnh đã thừa nhận hành vi sai phạm của mình. Trong khi đó, một số hộ dân khác ở Như Quỳnh thừa nhận ngoài rác thải công nghiệp, họ cũng mua rác thải y tế về sơ chế để bán.

 

Theo Nam Quốc

Sài Gòn giải phóng