Bệnh thủy đậu bùng phát khắp nơi

Số bệnh nhân mắc thủy đậu khắp cả nước tăng đột biến. Ghi nhận tại Hà Nội và TPHCM đã có cả ngàn ca nhiễm, hầu hết là trẻ em.

Theo TS Bùi Vũ Huy, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, hơn một tháng qua ngày nào Khoa Truyền nhiễm cũng tiếp nhận bệnh nhân bị thủy đậu. Phần lớn bệnh nhân ở Hà Nội, Hà Tây, Bắc Giang, Hưng Yên...

 

Phía Bắc, bệnh nhân tăng từng ngày

 

Còn ngay trong buổi sáng 1/3, Khoa Khám bệnh, BV Xanh Pôn, đã tiếp nhận gần 10 trường hợp bị thủy đậu. Theo bác sĩ Hoàng Minh Thu, Trưởng Khoa Khám Nhi, số trẻ mắc bệnh thủy đậu đã chiếm tới 10% số bệnh nhi đến khám trong tuần qua.

 

Trước khi nhập viện gần một tuần, cháu Đ.V.T, 6 tuổi ở Từ Liêm, Hà Nội, có biểu hiện sốt nhẹ trong 2 ngày và nổi trên da một vài mụn nhỏ. Tuy nhiên, do trước đó gia đình cho cháu về quê chơi nên đã nghĩ cháu bị dị ứng nước, vì thế không điều trị kịp thời. Liên tiếp trong những ngày sau đó, ở lưng, bụng và tiếp đó là mặt, tay, chân xuất hiện chi chít những mụn nước. Những mụn nước này lan nhanh khiến cháu T. thấy ngứa nên đã gãi và gây nhiễm trùng da. Khi nhập viện, toàn thân bệnh nhân gần như đã bị phủ kín bởi những nốt đậu. Sau gần 10 ngày điều trị, bệnh nhân đã đỡ hơn, tuy nhiên, nguy cơ để lại những nốt sẹo trên người thì khó tránh khỏi.

 

Theo TS Huy, hầu hết những bệnh nhân thủy đậu vào điều trị tại Khoa Truyền nhiễm đều bị những nốt đậu mọc dày chi chít trên cơ thể. Những mụn nước này thường gây ngứa ngáy khiến trẻ gãi trầy da và làm lây lan sang các vùng da khác. Do đó, việc điều trị đối với những bệnh nhi này thường bị kéo dài và có thể để lại những vết sẹo rất xấu.

 

Phía Nam, tăng 20%

 

Tại TPHCM, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết trong tháng 2/2007 số bệnh nhân đến khám do bệnh thủy đậu tăng khoảng 20% so với tháng trước và xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2006. Chỉ tính trong 2 tuần cuối tháng 2, đã có hơn 200 trường hợp đến khám tại BV Nhi Đồng 1 do bệnh thủy đậu.

 

Tại BV Nhi Đồng 2, số bệnh nhi bị thủy đậu cũng tăng, ghi nhận được hơn 100 ca trong 2 tuần qua. Theo chu kỳ bệnh thủy đậu thường gia tăng sau dịp Tết, vì vậy dự kiến trong tháng 3 tình hình bệnh thủy đậu sẽ gia tăng gấp đôi.

 

Dịch bệnh thủy đậu cũng diễn ra ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tại tỉnh Sóc Trăng, theo Trung tâm Y tế dự phòng Sóc Trăng, từ đầu tháng 2/2007 đến nay, số người mắc bệnh thủy đậu ngày một tăng. Chỉ riêng 10 ngày cuối tháng, có hàng chục người bị mắc bệnh này. Lo ngại bệnh thủy đậu bùng phát, nhiều người đã đến các cơ sở y tế để tiêm phòng, dẫn đến tình trạng một số cơ sở không đủ thuốc tiêm ngừa.

 

Theo dự báo của Trung tâm Y tế dự phòng Sóc Trăng, trong tháng 3/2007, do thời tiết nắng nóng, tình hình bệnh thủy đậu có nguy cơ bùng phát, đặc biệt là khu vực nông thôn. Giải pháp phòng ngừa chủ yếu hiện nay của ngành y tế Sóc Trăng là vận động người dân tiêm thuốc ngừa bệnh. Tuy nhiên, với giá thuốc tiêm ngừa bệnh thủy đậu khoảng 300.000 đồng/lần, đối với nhiều gia đình, nhất là khu vực nông thôn, quả là quá sức.

 

Bệnh lây lan rất nhanh

 

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, bệnh thủy đậu do một loại siêu vi trùng mang tên Varicella Zoster Virus gây nên. Mùa xuân là thời điểm cao bùng phát của bệnh. Thủy đậu là bệnh rất dễ lây truyền và trẻ em là đối tượng rất dễ nhiễm bệnh do sức đề kháng yếu. Khi một người mang siêu vi thủy đậu nói, hắt hơi hoặc ho thì các siêu vi đó theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi, người khác hít phải bụi đó sẽ lây bệnh ngay. Bệnh xảy ra phần lớn ở trẻ em từ 2 - 11 tuổi, tuy nhiên, người lớn cũng có thể mắc bệnh này. TS Huy cảnh báo, trong một lớp học chỉ một học sinh bị thủy đậu có thể lây bệnh cho cả lớp, thậm chí cả trường.

 

Triệu chứng của bệnh thường là sốt nhẹ, phát ban ở da là những nốt sần kéo dài vài giờ, sau đó trở thành mụn nước trong 3 - 4 ngày và để lại những hạt vảy. Những mụn nước này thường mọc ở thân mình, sau đó lan lên mặt và tay chân. Ngoài ra, những nốt phỏng này còn có xu hướng mọc ở những chỗ bị kích thích như cháy nắng, chỗ quấn tã lót.

 

Theo Người lao động