Bệnh “tay, chân, miệng” bùng phát dữ dội

Trong những ngày qua, khoa Nhiễm - Thần kinh của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) không còn một chỗ trống. Khoa có 80 giường nhưng mỗi chiếc giường phải "gánh" đến 4 - 5 bệnh nhi. Khoa Nhiễm quá tải vì bệnh "tay, chân, miệng" đang tấn công trẻ dữ dội...

Bệnh viện quá tải

 

Sáng 11/9, khi chúng tôi đến Bệnh viện Nhi đồng 1, có 50 trẻ mắc bệnh "tay, chân, miệng" đang nằm viện, trong đó có đến 17 trẻ bị biến chứng thần kinh (chiếm 30%). Không còn giường, nhiều phụ huynh phải trải chiếu ra hành lang buồng bệnh cho trẻ nằm để thoáng bớt. Y, bác sĩ chạy tới chạy lui như chong chóng.

 

Một số trẻ bị nhẹ nhưng cần phải theo dõi, người nhà đã chọn phương án ở gần bệnh viện, để nếu bệnh có diễn tiến nặng thì đưa trẻ trở lại bệnh viện kịp thời. Về nhà thì xa, mà ở trong bệnh viện thì đông quá, người nhà sợ bệnh trẻ nặng thêm!

 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh nói: "Không hiểu sao mấy ngày gần đây bệnh "tay, chân, miệng" lại rộ lên nhiều vậy. Theo thông lệ hằng năm, thường vào tháng 10, tháng 11 loại bệnh này mới xảy ra nhiều. Trong số trẻ nằm viện, chiếm 60% là trẻ ngụ ở TPHCM. Hiện, bình quân mỗi ngày có trên 10 trẻ mắc bệnh "tay, chân, miệng" nhập viện điều trị nội trú; còn số đến khám, điều trị ngoại trú thì nhiều hơn nữa".

 

Các trường mầm non - Ổ lây nhiễm bệnh?

 

Bác sĩ Phan Văn Nghiệm - Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở y tế, TPHCM) cho biết: "Từ đầu năm đến nay, đã có gần 900 trẻ ngụ ở TPHCM mắc bệnh "tay, chân, miệng". Hơi lo vì đang là thời điểm trẻ vừa nhập học, nhất là nhà trẻ, mẫu giáo là môi trường dễ lây nhiễm bệnh. Sở cũng đã có công văn phối hợp với phía Sở Giáo dục - Đào tạo, Thể dục thể thao... để cùng tham gia phòng bệnh.

 

Các nhà trẻ, trường mầm non cần cho trẻ sử dụng ly uống nước riêng, khăn riêng. Những trẻ mắc bệnh không nên đến hồ bơi dễ làm lây lan bệnh. Phụ huynh có thể đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế gần nhất, không nhất thiết phải đến Bệnh viện Nhi đồng 1, gây quá tải trầm trọng".

 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT, nhận định: "Bệnh này chủ yếu xuất hiện ở những trường gần chợ, hệ thống cấp thoát nước không tốt. Ban chỉ đạo y tế học đường đều có những yêu cầu, chỉ đạo, giám sát gắt gao công tác phòng bệnh ở các đơn vị".

 

Những lưu ý chung

 

Ttheo bác sĩ Trương Hữu Khanh, bệnh "tay, chân, miệng" thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi (dưới 3 tuổi là bị nhiều nhất). Nguyên nhân gây bệnh là do siêu vi trùng đường ruột. Mức độ lây lan bệnh rất cao ở môi trường tập trung đông đúc như nhà trẻ, trường mẫu giáo...

 

Triệu chứng điển hình: nổi những nốt hồng ban bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân (nhiều nhất), trong miệng (gây vết loét miệng), đầu gối, mông, hay nổi rải rác ở những vị trí khác trên cơ thể (đặc biệt, những bóng nước này khi ấn vào không đau); ban đêm trẻ ngủ hay bị giật mình, hoảng hốt, có kèm theo triệu chứng sốt nhẹ, nôn ói và tiêu chảy... Người nhà và bác sĩ không chuyên rất dễ nhầm lẫn bệnh "tay, chân, miệng" với một vài bệnh khác như dị ứng da, nhiễm trùng da, viêm họng...

 

Điều trị:

 

- Đối với những trường hợp nhẹ, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh thì không cần điều trị thuốc men gì nhiều, chỉ cần sử dụng thuốc giảm đau, an thần... Tuy nhiên trẻ cần được theo dõi sát, để xử trí kịp thời những biến chứng xảy ra. Bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày, những nốt hồng ban sẽ lặn đi, không để lại sẹo.

 

- Nhưng nếu nguyên nhân gây bệnh là do vi-rút Entero 71, thì có thể dẫn đến tử vong (do biến chứng lên não, màng não, gây co giật, gây viêm cơ tim, hôn mê...) nếu không xử trí kịp thời. Thường bệnh diễn tiến nặng sau một tuần khởi phát. Một khi đã bị nặng, thì việc chữa trị sớm là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên cũng có cái "may" là loại bệnh này không để lại di chứng (về thần kinh) như một số bệnh viêm não khác!

 

Mùa dịch bệnh: Bệnh "tay, chân, miệng" thường xảy ra hai đợt trong năm (đợt từ tháng 2 - tháng 4 và đợt từ tháng 10 - tháng 12). Do vậy, các bác sĩ khuyên thời điểm chuẩn bị vào "mùa" này, các bậc cha mẹ cần đảm bảo vệ sinh cho trẻ. Không đơn thuần chỉ là ăn uống sạch sẽ, mà cần phải đảm bảo vệ sinh cả môi trường sinh hoạt, chơi đùa, sàn nhà, đồ chơi cũng cần giữ vệ sinh. Đặc biệt, rất cần "đôi bàn tay sạch" ở người lớn - những người trực tiếp chế biến thức ăn và chăm sóc trẻ...

 

Theo Thanh niên