Bệnh nhi 10 tuổi sốc phản vệ sau uống nước ngọt có ga

Tú Anh

(Dân trí) - Sau khi uống nước ngọt có ga vài phút, bệnh nhi 10 tuổi xuất hiện các triệu chứng nuốt nghẹn, phù mặt, nổi mẩn ngứa... Sau khi cấp cứu theo phác đồ chống sốc phản vệ, bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Ngày 26/1, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cho biết tiếp nhận bệnh nhi 10 tuổi trong tình trạng khó thở, nuốt nghẹn, nổi ban ngứa vùng ngực bụng, phù mắt, nghe có co thắt vùng khí quản, thở rít.

Người nhà bệnh nhi cho biết, em bé xuất hiện các triệu chứng trên sau vài phút uống nước ngọt có ga.

Bệnh nhi 10 tuổi sốc phản vệ sau uống nước ngọt có ga - 1

Bệnh nhi xuất hiện các triệu chứng khó thở, nuốt nghẹn, nổi ban ngứa vùng ngực bụng, phù mắt... sau khi uống nước ngọt có ga (Ảnh minh họa: Getty).

Ngay khi có các biểu hiện trên, bệnh nhi được đưa đến trạm y tế dùng thuốc nhưng không đỡ, trẻ ngày càng khó thở nhiều và được gia đình chuyển ngay Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cấp cứu.

Tại đây, bệnh nhân được cấp cứu xử trí theo phác đồ chống sốc phản vệ, dùng thuốc Adrenalin. Sau khi được cấp cứu và hồi sức tích cực, bệnh nhân qua cơn nguy kịch và được chuyển khoa Hồi sức cấp cứu để tiếp tục điều trị.

Các bác sĩ cảnh báo, dị ứng, phản vệ, sốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bất cứ loại thuốc, thực phẩm nào cũng có thể gây sốc phản vệ, nguy cơ cao ở người có cơ địa dị ứng. Thậm chí ong đốt, kiến đốt cũng có thể gây tình trạng này.

Trước đó, tại Quảng Bình cũng từng ghi nhận bệnh nhân sốc phản vệ sau khi ăn mì tôm ăn liền. Bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện mệt, khó thở, nổi mẩn đỏ, ngứa toàn thân, phù mặt, được các bác sĩ  Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) chẩn đoán sốc phản vệ độ 3 với mì ăn liền.

Hay có trường hợp nam thanh niên chỉ vì thái một củ hành để chuẩn bị nấu ăn tối cho gia đình đã rơi vào tình trạng sốc phản vệ nặng, phù nề toàn bộ mặt, tức ngực, khó thở.

Sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng, gây tử vong nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Các triệu chứng xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi dùng thuốc, thử test, bị ong đốt hoặc sau khi ăn một loại thức ăn lạ.

Vì thế, ai có tiền sử bị dị ứng với một loại thực phẩm nào đó thì tốt nhất nên tránh vì một lượng nhỏ thức ăn cũng đủ để phản ứng dị ứng xảy ra. Biện pháp tốt nhất để phòng ngừa sốc phản vệ là tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng đã biết cũng như các chất thường gây ra phản ứng dị ứng nặng.