Bệnh nhân ghép tim đầu tiên tại Việt Nam hồi phục hoàn toàn

(Dân trí) - Chiều 24/6, trong phòng chăm sóc đặc biệt, anh Bùi Văn Nam, bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam được ghép tim từ nguồn hiến là một người bệnh chết não, đã có thể ngồi dậy tiếp chuyện Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu.

Bệnh nhân ghép tim đã hồi phục hoàn toàn

“Như vậy, sau đúng một tuần được ghép tim, bệnh nhân Nam đã hồi phục hoàn toàn, tự đi lại tốt, ăn uống, ngủ nghỉ tốt và trái tim mới được nhận đã hoạt động bình thường, hòa nhập hoàn toàn với cơ thể người được ghép”, PGS.TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc Viện quân Y 103 vui mừng chia sẻ với Bộ trưởng về tình trạng sức khỏe người bệnh.
 
Bệnh nhân ghép tim đầu tiên tại Việt Nam hồi phục hoàn toàn - 1
Sau 7 ngày được ghép tim, bệnh nhân Nam đã tỉnh táo, tươi cười khi Bộ trưởng Bộ Y tế cùng các chuyên gia của Viện Quân y 103 vào thăm. (Ảnh: Hồng Hải)

Trong phòng bệnh, sắc diện bệnh nhân Nam đã hồng hào, nhanh nhẹn dù trong suốt cuộc mổ, nguồn máu được sử dụng là chính máu của bệnh nhân. Nhận hoa từ Bộ trưởng, bệnh nhân Nam xúc động, đặt tay lên ngực để nói về cảm nhận nhịp đập trái tim mình.

TS An cho biết thêm, để có được ca ghép tim thành công này là kết quả của cả một quá trình dài chuẩn bị, từ việc ghép tim thực nghiệm trên hàng trăm con lợn, đến việc học hỏi kỹ thuật từ các nước tiên tiến trên thế giới, chuẩn bị về cơ sở vật chất.

Chia sẻ về thành công này, TS An cho biết, chính bản thân các thầy thuốc cũng không nghĩ sẽ tiến hành ca ghép nhanh như vậy. Nhưng đúng thời điểm đó có người hiến tạng phù hợp nên đã bắt tay ngay vào ghép.

Hiện còn hơn 10 bệnh nhân đang nằm tại viện để chờ được ghép tim. Họ đã được chuẩn bị đầy đủ mọi xét nghiệm, chuẩn bị về tinh thần, chỉ chờ có nguồn hiến là ghép.

Việt Nam làm chủ kỹ thuật ghép tim

“Đúng 9h5 phút sáng ngày 17/6, cả hai ê-kip mổ lấy tim hiến từ người bệnh chết não và ê -kíp mổ cắt bỏ quả tim đã bị suy giai đoạn cuối của bệnh nhân Nam bắt đầu phẫu thuật. Trong quá trình đó, có 2 chuyên gia Đài Loan luôn ở bên cạnh hỗ trợ các chuyên gia của Việt Nam. Nhưng có thể nói, các chuyên gia của Việt Nam hoàn toàn làm chủ về kỹ thuật ghép tim này. Vì trong suốt quá trình chuẩn bị, phẫu thuật và hậu phẫu, các chuyên gia đều thực hiện được tất cả các khâu quan trọng. Có hai chuyên gia nước ngoài cùng tham gia, vừa là yêu cầu của của đề tài, vừa là sự giúp đỡ về tinh thần để các bác sĩ Việt Nam vững tâm, tự tin hơn với ca ghép đầu tiên này”, GS.TS Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc Học viện quân y khẳng định.

Các chuyên gia trong kíp mổ cho biết, từ việc hồi sức người chết não để tạng không bị suy, trái tim vẫn đập thình thịch, đến việc lấy trái tim ra khỏi người chết não. “Không đơn giản là “cắt phăng” quả tim ra, mà các bác sĩ phải dùng kỹ thuật để vừa “nuôi dưỡng” tim giúp nó có thể đập, vừa “ru ngủ” (trái tim ngừng đập trong lồng ngực người hiến) rồi mới lấy được tim ra, rồi rửa tim, rồi đặt trái tim vào lồng ngực mới… không một công đoạn nào là đơn giản, nhưng các bác sĩ Việt Nam đã thực hiện được”, GS Đặng Ngọc Hùng, nguyên Giám đốc Viện Quân y 103 nói.
 
Bệnh nhân ghép tim đầu tiên tại Việt Nam hồi phục hoàn toàn - 2
Trái tim của người hiến được lấy ra, rửa sạch và chuẩn bị được ghép cho bệnh nhân. (Ảnh chụp qua Video clip - Ảnh: H.Hải)

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu rất vui mừng và chúc mừng thành công của các bác sĩ Học viện quân Y 103. Ông cũng cho biết, sắp tới, Việt Nam sẽ xây dựng trung tâm điều phối ghép tạng. “Từ trước đến nay, việc ghép tạng được các bệnh viện làm độc lập khá tốt nhưng sẽ có nhiều khó khăn trong nguồn hiến, máy móc. Vì thế, trung tâm này lập ra sẽ giúp việc điều phối nguồn hiến - ghép để các bệnh viện thuận lợi hơn trong việc ghép tạng cho người bệnh. Một nguồn hiến từ Vinh (Nghệ An) với một nguồn cần ghép từ Lạng Sơn vẫn có thể kịp thời điều phối để ghép tạng”, TS Triệu nói.

Các chuyên gia Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật, nhưng cái khó hiện nay vẫn là vận động gia đình có người thân bị chết não hiến tặng tim. “Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống được rất nhiều người bệnh bị suy tim, suy thận, suy gan.  Từ ca hiến tim đầu tiên được ghép thành công này, hi vọng người dân sẽ cởi mở hơn trước vấn đề cho, hiến tặng, để có thể mang lại sự sống cho người bệnh khác, khi không may mắn, thân nhân của mình không thể qua khỏi vì bệnh trọng”, TS An nói.

Được biết, từ người hiến tạng chết não này, ngoài ghép tim thành công cho bệnh nhân Nam, Học viện quân y 103 cũng đã lấy 2 quả thận từ nguồn hiến để cứu sống hai người bệnh đang suy thận giai đoạn cuối.

Hồng Hải