Bệnh nhân bỏng sau điều trị: 10% muốn tự tử

(Dân trí) - Những vết sẹo loang lổ, cả một vùng da rộng bị dúm dó, co cơ, thậm chí bị tật nguyền, mất tay, chân sau bỏng… khiến nhiều người trong họ không còn muốn sống…

Lầm lì, ít nói sau bị bỏng

Theo TS Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Viện Bỏng quốc gia, những hậu quả do bỏng gây ra không chỉ ngay trước mắt, mà nó ảnh hưởng rất lâu dài sau đó, thậm chí 5 - 10 năm.

Riêng năm 2007, tại Viện Bỏng quốc gia có 3.500 bệnh nhân, nhưng hơn 50% số đó là các bệnh nhi và 1% đã bị tử vong do mức độ bỏng quá nặng.

TS Lượng kể về một trường hợp bỏng cồn khi cùng bố nướng mực ở Hải Phòng. Cháu gái 13 tuổi bị bỏng hết vùng mặt, cổ rồi cả ngực. Khi được cứu sống, trở về nhà, cháu nhìn thấy mình trong gương đã hét toáng lên, ngất xỉu. Dù đã bỏ hết gương, những vật gì có thể phản chiếu được để cháu không tự nhìn thấy mình nhưng từ đó, cháu trở nên sống khép kín, ít nói, lầm lỳ, không học hành, không giao du với bạn bè.

Cô bé được đưa trở lại Khoa phẫu thuật chỉnh hình và thẩm mỹ sau bỏng (Viện Bỏng quốc gia). Thời gian đầu, bé nhất định không hợp tác với bác sĩ, luôn ngồi lì một góc, không cho bác sĩ khám. Cuối cùng, nhờ sự động viên, tâm tình của các thầy thuốc, y tá, của chính những bạn cùng phòng bị di chứng sau bỏng, cô bé đã đồng ý để bác sĩ khám, chữa. Những nếp nhăn dúm dó, loang lổ tuy không thể mất hẳn nhưng nó cũng mờ đi đôi chút, quan trọng hơn, bé đã tự tin hơn, niềm nở hơn với cuộc sống.

Điều trị di chứng quan trọng như chữa bỏng

“Cấp cứu, cứu chữa để bệnh nhân bỏng sống được, ít di chứng là ưu tiên số một. Nhưng ngay sau đó, phải nghĩ đến làm sao điều trị giảm di chứng sau bỏng, trong đó, một khâu rất quan trọng là “di chứng” tinh thần”, TS Lượng nói.

Kết quả một nghiên cứu mới nhất về đời sống bệnh nhân bỏng sau khi ra viện cho thấy bệnh nhân bỏng nói chung, trẻ em bị bỏng thường phải chịu những di chứng tâm lý rất nặng nề. Họ thấy mặc cảm, xấu hổ vì những vết bỏng còn loang lổ, vì chân, tay bị dúm dó, co kéo không thể đi lại bình thường của mình. Khoảng 10% trẻ được hỏi đều có ý định tự tử sau khi ra viện. Các em mang mặc cảm xấu xí, ăn bám và là gánh nặng của gia đình…

Những di chứng của bỏng khiến rất nhiều trẻ, kể cả bệnh nhân là người lớn rơi vào tình trạng bị trầm cảm, lầm lì, ít nói, sinh ra bất cần, bỏ học… Vì thế, việc điều trị dự phòng sau bỏng, giúp các em có một tinh thần thoải mái là rất quan trọng.

Khoa phẫu thuật chỉnh hình và thẩm mỹ sau bỏng luôn đông bệnh nhân, nhất là dịp hè. Hiện đang có gần 70 cháu nằm viện điều trị những di chứng sau bỏng.

Hay như bệnh nhân V.Q.T, 14 tuổi ở Hà Tây bị bỏng điện. Em đang học lớp 9 nhưng vì bị bỏng nên em phải nằm điều trị trong viện hơn 1 tháng nay. Đáng buồn hơn, em còn bị cắt một cánh tay phải. Nhìn ánh mắt rầu rầu của em, chúng tôi không nỡ hỏi nhưng cảm nhận được sâu sắc nỗi buồn, đau khổ của em. Tay phải đã mất, giờ khi đến trường, em sẽ phải học viết bằng tay trái. Nhưng liệu em có đủ sức, đủ tỉnh táo để chấp nhận mất mát quá lớn?

Cháu bé N.V.B dù mới 6 tuổi, còn rất nhỏ nhưng đã cảm thấy e thẹn, rụt rè khi gặp những ánh mắt đang nhìn chăm chú vào em. Một phản xạ rất tự nhiên, em rụt ngay hai bàn tay đang để trên đùi mẹ ra sau. Mẹ cháu kể, cháu bị bỏng từ một năm trước. Về nhà, cháu rất rụt rè, ít chơi với bạn cùng xóm vì thường bị chúng trêu đùa. Nay con chuẩn bị đến tuổi vào lớp 1, chị đưa lên Viện Bỏng để chữa, phục hồi chức năng cho con. BS cho biết, sau phẫu thuật chữa sẹo, cháu vẫn sẽ phải kiên trì tập luyện tay, chân để các cơ không bị co cứng khiến da bị nhúm nhó theo.

“Tai nạn bỏng, di chứng bỏng đều để lại hậu quả rất nặng nề. Vì thế, việc quan trọng nhất là hãy chăm sóc, để ý, hướng dẫn trẻ tránh xa những tác nhân gây bỏng. Còn khi xảy ra tai nạn bỏng, cần nhanh chóng sơ cứu bằng cách ngâm trong nước sạch để làm giảm tác nhân gây bỏng, vết bỏng sẽ đỡ sâu rồi đưa ngay trẻ tới viện. Việc sơ cứu đúng sẽ giảm được di chứng, bệnh nhân sẽ có cơ hội nhiều hơn trở lại bình thường. Đồng thời cần ghi nhớ, phải luôn có sự động viên, khuyến khích tinh thần để người bệnh không mặc cảm, tự ti dẫn đến trầm cảm, thậm chí tự tử”, BS Lượng nói.

Hồng Hải