Bé có thể bị điếc do nghe nhạc từ trong bụng mẹ

Hậu quả của việc cho trẻ nghe nhạc qua tai nghe đã được cảnh báo từ lâu nhưng vẫn còn rất nhiều các ông bố bà mẹ làm ngơ vì nghĩ rằng sản phẩm riêng dành cho thai nhi và trẻ em sẽ chỉ giúp con thông minh, không có tác dụng phụ.

Bé có thể bị điếc do nghe nhạc từ trong bụng mẹ - 1


 

Săn lùng sản phẩm cho con

 

Hiện nay không ít ông bố, bà mẹ trẻ cho rằng: Cho thai nhi nghe nhạc hoặc trò chuyện với thai nhi sẽ giúp đứa trẻ thông minh hơn khi ra đời. Chính vì vậy, những sản phẩm giúp các ông bố, bà mẹ có thể trò chuyện được cho với thai nhi và những sản phẩm tai nghe cho trẻ em trở nên đắt đỏ. Giá của các sản phẩm này có khi lên đến hàng triệu đồng nhưng không ít ông bố, bà mẹ vẫn sẵn sàng rút hầu bao với hy vọng có thể giúp con mình thông minh hơn.

 

Để tìm mua được bộ sản phẩm tai nghe về cho con trai bé bỏng của mình, anh Hà Văn Thuận (Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) đã phải mất cả buổi chiều chạy đôn chạy đáo qua tất cả các shop phần mềm, tai nghe mới mua được một bộ.

 

Anh hồ hởi cho biết: Nghe bạn bè trong cơ quan nói hiệu quả cao lắm nên anh cố lùng mua bằng được. Con trai anh đang trong thời kỳ ăn dặm, hy vọng với chiếc tai nghe này chưa quá muộn cho sự phát triển trí tuệ của bé.

 

Chị Lê Thị Thanh Hiên (phố Chiến Thắng, Hà Đông, Hà Nội) đang mang bầu tháng thứ 8, từ tháng thứ 4 chị đã cho con nghe nhạc thính phòng, nhạc Mozart. Mỗi khi đặt tai nghe vào bụng chị có cảm giác đứa trẻ cũng cảm nhận được nên nó đạp mạnh hơn.

 

Quá thích thú, mỗi ngày chị lại cho con nghe nhiều hơn. Chị khoe từ ngày mang bầu chị đã thay hai lần bộ tai nghe dành cho thai nhi. Chị rinh sẵn một bộ tai nghe có giá 750 nghìn đồng dành cho trẻ sơ sinh và trẻ 3 tháng tuổi.

 

Anh Ngô Đức Hùng, chủ của một shop USB, tai nghe trên phố Xuân Thuỷ, Hà Nội cho biết: Khoảng hơn năm trở lại đây sản phẩm này luôn luôn đắt hàng. Khách muốn mua đều phải gọi điện đặt hàng trước. Các sản phẩm này đều chủ yếu do Trung Quốc sản xuất và được bảo hành 1 năm nên nhiều người ưa chuộng.

 

Giảm 30% thính giác vì thích nghe nhạc to

 

Chị Chu Thị Nhài (TP. Nam Định) đưa con trai là cháu Bảo 4 tuổi đi khám bệnh vì thính lực giảm. Chị than thở, bạn bè đồn thổi cho trẻ nghe nhạc có thể giúp bé thông minh hơn nên từ khi mới sinh ra bé Bảo đã được bố cho nghe nhạc thay vì hát ru. Dần dần bé rất thích nghe nhạc và có thể tự điều chỉnh âm lượng.

 

Gần đây, Bảo có biểu hiện nói to hơn mọi người. Cháu thích nghe nhạc mạnh, vừa nghe vừa nhảy theo, chẳng để ý xung quanh. Nhiều khi mọi người thử nói bình thường nhưng Bảo vẫn không có phản ứng. Ban đầu tưởng con cố tình giả vờ không nghe nhưng dần dần chị thấy lo. Đi khám bệnh, bác sĩ cho biết Bảo bị giảm thính lực trầm trọng.

 

Nhiều trẻ chỉ thích nghe nhạc khi ăn, nghe càng to càng thích. Bé Nguyễn Văn Lâm (3 tuổi) ở khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội cũng giống với Bảo, thích nghe những bài hát trong DJ và nhạc trong Game Audition. Mẹ Lâm còn cho biết, nếu nghe thấy tiếng nhạc nhỏ là Lâm khóc thét lên, mọi người thử cho bé nghe qua tai nghe thì Lâm mới thôi khóc và nghe đến khi ngủ say. Sau một thời gian nghe nhạc mạnh, Lâm trở nên ăn to nói lớn. Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán Lâm bị giảm thính lực tới 30%, bị điếc nhẹ, nếu nghe nhạc lâu ngày, Lâm có thể bị điếc tạm thời.

 

Cho con nghe nhạc chưa chắc đã thông minh

 

Theo PGS, TS Nguyễn Viết Tiến (Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương): "Cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định vai trò của những kích thích bằng âm nhạc đến sự phát triển trí tuệ của thai nhi.

 

Thông thường đến tháng thứ tư, thai nhi có thể phản ứng với những âm thanh bên ngoài nhưng không phải thai đạp mạnh là biểu hiện thích nghe nhạc. Chủ yếu thời gian trong bụng mẹ thai nhi đều ngủ.

 

Khi nghe âm thanh bất ngờ làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ do vậy có thể gây rối loạn nhịp sinh học. Nhiều ông bố bà mẹ có thói quen mở nhạc thật to vì sợ con không nghe thấy là sai lầm. Bởi lẽ, nước ối có khả năng khuyếch đại âm thanh, nếu nghe to sẽ ảnh hưởng đến thính lực của đứa bé sau khi ra đời".

 

Theo TS. Lương Hồng Châu - PGĐ - Trưởng khoa Tai thần kinh - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, tuyệt đối không được cho trẻ nghe nhạc quá lớn nhất là nghe qua tai nghe.

 

Khi cho trẻ nghe qua tai nghe, người lớn không thể kiểm soát được cường độ âm thanh lớn hay nhỏ nên trẻ dễ bị ảnh hưởng tới thính lực.

 

TS. Châu cho rằng: Để dễ hình dung nhất về thính lực, chúng ta nên hình dung bằng chính mắt của mình. Mắt người nhìn ở một cường độ sáng bình thường, nếu sáng quá sẽ dẫn đến chói mắt, ảnh hưởng đến thị lực. Tai người cũng vậy. Tai cũng có ngưỡng của nó nếu vượt quá sẽ ảnh hưởng đến thính lực.

 

“Chỉ cho trẻ nghe khi có sự kiểm soát được âm thanh, và chỉ nghe trong một thời gian nhất định. Thực tế đã có nhiều người bị điếc vì nghe nhạc qua tai nghe”, TS. Châu nhấn mạnh.

 

Theo Pháp luật & Đời sống