Bầu ngực nặng... 4kg

Từ ngày lấy chồng, hai bầu ngực của Mai ở Yên Phụ (Hà Nội) phát triển nhanh như "thổi bong bóng". Toàn bộ áo ngực của Mai được “thửa” riêng, theo thiết kế đặc biệt đặt may trên phố Hàng Than.

Nhưng cái áo đó cũng chẳng thể chứa vừa bầu ngực dài nặng như hai túi nước.

 

Mai ở lỳ trong nhà, ngồi ôm khư khư hai cái bầu ngoại cỡ, chẳng thể làm được việc gì. Hương, em Mai kể: “Hồi đó chị Mai còn mang bầu, nên việc đi lại rất khó khăn. Cái bụng to lùm lùm, còn ngực vắt vẻo như hai quả tạ hai bên. Cực nhọc vô cùng”. Trái đào của Mai lúc đó đã dài tới ngang bụng.

 

TS Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn, cho biết, trường hợp tuyến vú quá lớn và phát triển quá nhanh như trường hợp của chị Mai rất hiếm gặp (các trường hợp khác chỉ đạt kích cỡ này sau 7 - 8 năm).

Ở Việt Nam, chứng phì đại tuyến vú có tỷ lệ rất thấp, chỉ chiếm 1/20 so với thiểu sản tuyến vú. Bệnh hay gặp ở tuổi 18-20 hoặc sau khi sinh nở mà nguyên nhân là do rối loạn hormon.

Cái ngày Mai sinh con cũng làm cho cả bệnh viện phụ sản vốn đã đông đúc, ngột ngạt lại ồn ã thêm chuyện xôn xao “ngực dài nửa mét”. Mỗi khi muốn nâng bầu cho con bú, cái tay Mai như muốn gẫy rời ra.

 

Tiến sĩ Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn nhớ lại: “Hai bờ vai người phụ nữ như oằn xuống để chịu sức nặng của bầu ngực. Toàn bộ vạt da ngực bị kéo xuống, phần ngực đã được chuyển vị trí xuống dưới rốn”. Theo cân đo bằng phương pháp y học, TS Sơn cho biết, hai bầu ngực của chị Mai nặng tới... 4kg.

 

Ngày 30/8/2006, lần đầu tiên TS Sơn và các cộng sự đã áp dụng phẫu thuật tạo hình bằng kỹ thuật Thoreck, đây cũng là kỹ thuật lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam.

 

Chị Mai được đã cắt đi phần vú nặng hơn 4 kg. Toàn bộ phần quầng và núm vú được ghép lên đúng vị trí và được khôi phục thẩm mỹ. Để tránh tái phát, các bác sĩ đã phải cắt trọn tuyến vú. Điều này khiến chị Mai sẽ không còn khả năng nuôi con bằng sữa mẹ.

 

TS Sơn cho biết, sau một năm khám lại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, không có biến chứng. Tuy nhiên, vì mới chỉ tiến hành phẫu thuật cho hình dáng như ban đầu nên về thẩm mỹ chưa thật đẹp vì toàn bộ phần vạt da ngực của bệnh nhân đã bị kéo dài biến dạng. Nếu muốn đẹp, phải thực hiện tiếp một lần phẫu thuật tạo hình nữa.

 

Người nhẹ đi 4 kg, chị Mai thấy thanh thản như người vừa chịu án tù được phóng thích. Mai bảo, giờ không còn ám ảnh đi tìm áo nịt ngực và tìm cho được những cái áo rộng tới hai người mặc nữa. ‘Sẽ được trở lại thành người bình thường. Được đi lại những nơi mình thích, mặc những cái áo mình thích”, Mai nói.  

Theo Gia đình & Xã hội