Bắt buộc phải tiêm vắc-xin đối với 21 bệnh dịch truyền nhiễm

Theo Bộ Y tế, bắt đầu từ ngày 1/9/2011, Thông tư về danh mục các truyền nhiễm và các vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc phải sử dụng đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch sẽ có hiệu lực thi hành.

 

Bắt buộc phải tiêm vắc-xin đối với 21 bệnh dịch truyền nhiễm - 1


Theo đó, sẽ có 21 bệnh dịch truyền nhiễm bắt buộc phải tiêm vắc-xin phòng chống như:

- Bệnh Rubella bắt buộc phải sử dụng vắc-xin Rubella đơn giá hoặc vắc-xin phối hợp có chứa thành phần Rubella;

- Bệnh thủy đậu bắt buộc phải sử dụng vắc-xin thủy đậu;

- Bệnh tiêu chảy do Rotavirus bắt buộc phải sử dụng vắc-xin Rotavirus;

- Bệnh viêm gan virus B bắt buộc phải sử dụng vắc-xin viêm gan B đơn giá hoặc vắc-xin phối hợp có chứa thành phần viêm gan B, huyết thanh kháng viêm gan B (HEPABIG), Interferon;

- Bệnh cúm bắt buộc phải sử dụng vắc-xin cúm (cúm mùa, đại dịch), huyết thanh kháng cúm...

 

Riêng đối với bệnh sốt vàng, đối tượng sử dụng vắc-xin là những người đến từ nơi có dịch sốt vàng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

 

Thông tư trên cũng quy định, đối với những người đã tiêm vắc-xin, sinh phẩm y tế đang trong thời hạn có miễn dịch thì không bắt buộc phải tiêm chủng.

 

Trong khi đó, liên quan tới tình hình dịch bệnh tay- chân- miệng, Cục Y tế dự phòng cho biết, đến nay cả nước ghi nhận hơn 29.200 trường hợp mắc dịch bệnh này tại 49 địa phương, trong đó đã có 79 trường hợp tử vong tại 16 tỉnh, thành phố. Khu vực phía Nam chiếm 79,3% số mắc và 91,1% số tử vong của cả nước. Còn ở miền Bắc, dịch bệnh tay- chân- miệng đã xuất hiện ở một số địa phương như Hà Nội, Thanh Hóa, Thái Bình và đã có 2 ca tử vong ở Thanh Hóa.

 

Đáng chú ý, qua những xét nghiệm mới đây của Viện Vệ sinh dịch tế TƯ, Viện Pasteur TPHCM và Nha Trang cho thấy, có tới 35,6% mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân bị tay-chân-miệng là dương tính với virus EV 71 là loại virus gây bệnh nguy hiểm nhất. 

 

Theo Khánh Nguyễn

Sài Gòn giải phóng