Bao hiểm hoạ từ một tẩu shisha

Hiện nay trên thị trường vẫn tồn tại một loại thuốc hút tên gọi shisha, rất được tuổi teen quan tâm. Mặc dù shisha không có mặt trong danh mục chất cấm mua bán nhưng thực chất về mặt y học, shisha rất độc hại đối với sức khoẻ con người.

Bao hiểm hoạ từ một tẩu shisha

Đừng tưởng khói được lọc qua nước là giảm phần nào độ độc hại. Ảnh: K.A.O

 

Tên nguyên thuỷ của shisha là hookah (hoặc waterpipe, narghile…) với cách hút tương tự như thuốc lào. Đây chính là trò tiêu khiển của các lãnh chúa Ấn Độ, Dubai, các tiểu vương ở Arập, Trung Đông. Chính vì shisha mang hương vị trái cây nên mặc dù nhiều người có cảm giác “phê thuốc” sau khi hít nhưng ai cũng nghĩ nó vô hại. Nhiều người còn cho rằng vì hút dạng tẩu nên nó an toàn hơn hút thuốc lá, do nước trong bình sẽ làm sạch khói trước khi đến miệng tẩu. Có người còn tin rằng shisha là một thay thế tuyệt vời cho thuốc lá! Thật ra shisha còn độc hại hơn thuốc lá ở cả hai nguy cơ gây nghiện và gây bệnh.

 

Gây nghiện

 

Đừng tưởng shisha thảo dược không chứa nicotine nên không gây nghiện. Nếu là cây cỏ thông thường thì sao khi hít vào lại thấy “phê”? Ngoài ra, trong shisha còn chứa ít nhựa, kim loại nặng và các hoá chất độc hại. Shisha “biến tướng” thường đi kèm những hương vị khác nhau giúp cho người dùng có nhiều lựa chọn, chính những hương vị này che giấu độc chất bên trong làm cho người sử dụng không biết họ có thể bị nghiện sau khi dùng một thời gian. Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo về nguy cơ làm hại sức khoẻ của loại thuốc hút này.

 

Gây bệnh

 

TS Richard D. Hurt (Mỹ) đã đưa ra các kết quả sau khi nghiên cứu: Shisha gây nhiều bệnh hơn thuốc lá. Nước trong bình shisha không lọc được các thành phần độc hại trong khói thuốc. Người hút shisha hít độc chất từ hắc ín gồm monoxide carbon (CO), các kim loại nặng và các hoá chất gây ung thư (carcinogen) gấp 100 lần so với hút thuốc lá! Khí CO làm giảm lượng oxy đến phổi và gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng như hẹp mạch máu, ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đẻ con thiếu ký...

 

Nguy cơ ung thư phổi, lao phổi là rất lớn vì đây là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với khói thuốc. Các chất khí này sau đó nhanh chóng kích hoạt một loạt phản ứng hoá học trong các dây thần kinh và sản sinh dopamine gây khoái cảm. Trong 4.000 hoá chất có trong khói thuốc, 100 chất độc đã được xác định và 63 loại chất được biết là nguyên nhân gây ung thư. Những chất này gây hỏng mô màng phổi và giúp ung thư phổi dễ tiến triển. Bình nước trong shisha còn là nơi tiềm ẩn rất nhiều vi trùng có thể gây bệnh lao, nhất là khi nhiều người sử dụng chung, và không ai kiểm tra sức khoẻ của khách khi vào quán bar hoặc càphê bao giờ!

 

Ung thư vòm miệng và miệng cũng dễ xảy ra do sự tăng trưởng tế bào ung thư trong khoang miệng. Ngoài ra còn có thể bị ung thư lưỡi, niêm mạc má, nướu, môi… 75% ung thư dạng này có liên quan đến việc hút khói thuốc.

 

Thời cổ đại, shisha là biểu tượng của những người giàu có và hùng mạnh. Ngày nay, shisha dễ dàng đến với mọi người, mọi lứa tuổi nên nhiều thanh thiếu niên muốn thử một chút cho biết để có những trải nghiệm trong cuộc sống, rồi sau đó phải trả giá bằng cả cuộc đời! Cần mạnh dạn nói không với shisha, để dành tâm trí và trái tim cho một lối sống lành mạnh.

 

Phát triển ung thư dạ dày, với tỷ lệ nguy cơ tăng từ 40% lên 82% trong những năm gần đây đối với người nghiện thuốc lá, chủ yếu xảy ra ở phần trên của dạ dày gần thực quản. Nếu kết hợp với uống rượu thì càng làm tăng yếu tố nguy cơ quan trọng đối với bệnh ung thư dạ dày và miệng.

 

Viêm gan siêu vi vốn dễ lây lan qua nước bọt, có năm loại viêm gan siêu vi nhưng viêm gan A và B là những bệnh rất dễ lây truyền bởi ống hít shisha.

 

Dùng lâu dài, nam giới còn có thể bị bất lực!

 

Sau một thời gian hít shisha, phần lớn con nghiện đều rơi vào cảm giác mơ ảo và lệ thuộc về mặt tinh thần, trầm cảm, sống không thực tế, không mục đích. Từ đó sinh ra tiêu cực trong suy nghĩ và dễ tự tử khi thất vọng hoặc chán nản.

 

Theo DS Lê Kim Phụng

Nguyên giảng viên khoa y học cổ truyền,

đại học Y dược TPHCM/SGTT