Bác sĩ tư, công đều phải có chứng chỉ hành nghề

(Dân trí) - “Hiện các bác sỹ cứ tốt nghiệp đại học là làm nghề, chỉ có bác sỹ nào ra KCB tư nhân mới buộc phải có chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, theo Luật KCB, người hành nghề y dược ở cả khu vực nhà nước và tư nhân đều phải có chứng chỉ hành nghề”.

Đó là một trong những điểm mới của Luật khám chữa bệnh (KCB) được ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết ngày 21/4.

Ông Quang cho biết thêm, thẻ hành nghề này có thời hạn 5 năm và gia hạn chứng chỉ 5 năm một lần. Tuy nhiên, không phải ai cũng được gia hạn chứng chỉ, mà muốn tiếp tục được gia hạn chứng chỉ làm nghề, bác sĩ phải luôn không ngừng học hỏi, phải cập nhật kiến thức mới.

Sẽ có tiêu chuẩn, đánh giá riêng để đánh giá trình độ bác sĩ, và nếu ai không đạt chuẩn sẽ không được gia hạn chứng chỉ, tức là không được tiếp tục hành nghề cho tới khi đạt chuẩn. Cũng theo đó, sinh viên y dược ra trường phải trải qua quá trình học việc mới được cấp chứng chỉ này, còn các bác sỹ đã là viên chức nhà nước dự kiến sẽ được đặc cách cấp chứng chỉ hành nghề lần đầu, sau đó sẽ gia hạn như bình thường.

Ngoài ra, Luật KCB còn có một điểm mới rất tiến bộ, góp phần cải thiện mối quan hệ bác sĩ - người bệnh từ một chiều sang hai chiều. “Trước kia, khi khám bệnh, bác sĩ kê đơn, bệnh nhân theo đơn thực hiện theo. Nhưng nay, người bệnh sẽ có quyền quyết định những vấn đề KCB liên quan đến bản thân. Người bệnh sẽ được bác sĩ trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến quá trình khám chữa bệnh, từ bệnh tật, nguy cơ... cho đến chi phí khám chữa bệnh để tự quyết định quá trình điều trị của mình. Tuy nhiên, với những bệnh nan y có thể tác động xấu đến tâm lý người bệnh (đã được quy định riêng) sẽ được giữ kín để đảm bảo tốt nhất cho người bệnh”, ông Quang nói.

Dự thảo Luật KCB vừa Bộ Y tế trình trước Quốc hội, khi Luật KCB có hiệu lực sẽ bãi bỏ Luật Bảo vệ sức khoẻ Nhân dân (30/6/1989) và Pháp lệnh hành nghề Y Dược tư nhân (25/3/2003).

Hồng Hải