“Áp lực” trên chuyến bay đưa trái tim Hà Nội đi cứu sống bệnh nhân Huế

(Dân trí) - “Chuyến bay đưa trái tim Hà Nội đi cứu sống bệnh nhân Huế rất áp lực! Trái tim được chứa đựng trong hộp y tế đặc biệt và đặt ở trên ghế hạng C, ngồi kế bên là 1 bác sĩ. Chúng tôi đã phải cố định chiếc hộp này rất chắc chắn để đảm bảo không bị ảnh hưởng trong quá trình cất-hạ cánh hoặc gặp khi thời tiết nhiễu động” - nữ tiếp viên Nguyễn Mai Anh cho biết.

Mới đây, chuyến bay VN1543 của Vietnam Airlines chở theo trái tim của bệnh nhân chết não từ Hà Nội hiến tặng cho một bệnh nhân ở Huế, giúp các bác sỹ thực hiện ca ghép tim xuyên quốc gia lần đầu tiên thành công tại Việt Nam. PV Dân trí đã có cuộc tiếp xúc và ghi nhận những chia sẻ của tiếp viên trưởng Nguyễn Mai Anh.

Chuyến bay đặc biệt

- Phóng viên: Xin chị cho biết công tác chuẩn bị về thời gian, kỹ thuật, phục vụ, hành khách của chuyến bay VN1543 có gì khác so với những chuyến bay bình thường?

Tiếp viên Nguyễn Mai Anh: Tôi được biết thông tin về chuyến bay đặc biệt vào buổi tối, trước khi thực hiện nhiệm vụ không nhiều thời gian, vì thế tôi rất hồi hộp. Cả buổi tối tôi đã suy nghĩ rất nhiều về chuyến bay sáng hôm sau sẽ phải triển khai như thế nào cho hiệu quả.

Chuyến bay này khác nhiều so với những chuyến bay bình thường. Khi nhận được thông tin, tài liệu về chuyến bay thì tôi đã phải nghiên cứu rất kỹ về công việc của phi hành đoàn, các bộ phận tham gia khai thác và sự phối hợp của các ban ngành khác với chuyến bay. Tôi cũng tìm hiểu về mô tạng và thời gian bao lâu có thể đảm bảo trái tim duy trì sự sống đối với người nhận…

Tiếp viên trưởng Nguyễn Mai Anh đang chỉnh lại dây an toàn để giữ chặt hộp y tế đựng trái tim trên máy bay, để chuyển tới cho bệnh nhân ở Huế đang chờ được cứu sống
Tiếp viên trưởng Nguyễn Mai Anh đang chỉnh lại dây an toàn để giữ chặt hộp y tế đựng trái tim trên máy bay, để chuyển tới cho bệnh nhân ở Huế đang chờ được cứu sống

Trước chuyến bay chúng tôi có một buổi họp, tại đó chúng tôi đã trao đổi rất kỹ với các thành viên trong phi hành đoàn về mục đích, tính chất của chuyến bay VN1543 và những công việc phải làm để đảm bảo đúng giờ, an toàn, chính xác.

Trên máy bay, ngoài các trang thiết bị thông thường thì được cung cấp bổ sung thêm một số trang thiết bị khác để cố định thiết bị đựng mô tạng trên ghế máy bay nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất.

- Ở trên máy bay, trái tim đặc biệt này được sắp xếp ở vị trí nào thưa chị?

Trái tim được chứa đựng trong hộp y tế đặc biệt và đặt ở trên ghế hạng C (hạng Thương gia), ngồi kế bên là 1 bác sỹ. Chúng tôi đã phải cố định thiết bị này rất chắc chắn để đảm bảo không bị ảnh hưởng trong quá trình cất-hạ cánh hoặc gặp khi thời tiết nhiễu động.

- Đối với các hành khách, họ có hay biết chuyến bay VN1543 chở theo một “nguồn sống” đặc biệt từ Hà Nội chuyển vào cho bệnh nhân tại Huế?

Chúng tôi không trao đổi trước với hành khách trên máy về việc này vì đó là yêu cầu y tế và nguyện vọng của gia đình các bệnh nhân. Nhưng chiếc hộp y tế chứa trái tim đặc biệt này được đặt trên khoang hạng C nên các khách trên khoang C cũng nhìn thấy và nhận ra sự khác biệt, các hành khách đi hạng Phổ thông (Y) không được biết. Có trường hợp hành khách hỏi chúng tôi cũng giải thích một phần để hành khách hiểu và thông cảm với những bất tiện có thể ảnh hưởng tới họ.

- Được biết chuyến bay VN1543 bị chậm 15 phút do ca phẫu thuật kéo dài hơn dự kiến, việc chậm chuyến này có được tính toán trong kế hoạch hay phải triển khai phương án đột xuất, thưa chị?

Đúng như vậy, tuy nhiên việc chậm chuyến đã nằm trong các phương án triển khai của nhà khai thác và phi hành đoàn có thể xoay sở dễ dàng. Chậm 15 phút có thể sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ hành khách trên chuyến bay, nhưng tôi tin rằng nếu biết rằng việc chờ đợi này giúp mang đến sự sống cho người bệnh thì tất cả mọi người đều vui lòng, thậm chí có thể chờ đợi lâu hơn.

Chuyến bay VN1543 với hành trình đặc biệt chở trái tim từ Hà Nội đi cứu sống bệnh nhân Huế
Chuyến bay VN1543 với hành trình đặc biệt chở trái tim từ Hà Nội đi cứu sống bệnh nhân Huế

Sứ mệnh “níu giữ trái tim”!

- Chị có thể chia sẻ về điều ấn tượng nhất trên chuyến bay “níu giữ trái tim” Hà Nội cho bệnh nhân Huế đang chờ đợi được sống?

Chuyến bay VN1543 như “chạy đua” với thời gian, vì vậy từ nhân viên an ninh, bộ phận phục vụ mặt đất, nhân viên làm thủ tục, nhân viên kỹ thuật, các tiếp viên của chuyến bay đều đặt ý thức trách nhiệm lên rất cao để hoàn thành chuyến bay.

Đặc biệt, các bác sỹ dù đã phải thức trắng cả đêm để thực hiện ca phẫu thuật căng thẳng, mệt mỏi, nhưng ở trên máy bay tôi luôn nhìn thấy sự tận tâm, vui mừng của các bác sỹ vì có thể mang được tài sản quý giá đến cho bệnh nhân đang chờ đợi được sống. Tôi rất khâm phục, cảm động trước tài năng và sự tận tuỵ của đội ngũ y bác sỹ.

- Là một tiếp viên, chị đã từng tham gia chuyến bay nào chở mô tạng người hay chưa? Chị thấy sứ mệnh của mình đối với “trái tim” trên chuyến bay mà chị trực tiếp phục vụ như thế nào?

Tôi đã có 11 năm làm trong ngành hàng không, với cương vị là tiếp viên thì tôi đã rất nhiều lần thực hiện nhiệm vụ ở các sự kiện quan trọng, nhưng đây là lần đầu tiên tôi phục vụ chuyến bay chở mô tạng người.

Trên chuyến bay đưa trái tim Hà Nội đi cứu sống bệnh nhân Huế rất áp lực! Tôi cảm thấy áp lực về thời gian vận chuyển từ Hà Nội tới Huế, bởi mỗi giây phút đều là một cơ hội sống, là sinh mạng của người bệnh đang chờ đợi, áp lực vì mong muốn làm sao đảm bảo được ý nguyện của người hiến tặng trái tim đến được với người nhận kịp thời nhất.

Nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Mai Anh ngoài đời
Nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Mai Anh ngoài đời

- Gần đây, đăng ký hiến tạng đang lan rộng trong xã hội, sau chuyến bay đặc biệt đã tham gia phục vụ, chị có suy nghĩ như thế nào về nghĩa cử hiến tạng?

Đối với truyền thống của người á Đông, việc hiến tạng có lẽ là một quyết định khá khó khăn đối với bản thân người hiến tạng và người thân của họ. Tuy nhiên, thời gian gần đây nghĩa cử hiến tạng đang lan rộng và thu hút nhiều người quan tâm, đăng ký hiến tạng. Tôi thấy đó là một nghĩa cử vô cùng cao đẹp khi tự nguyện trao đi những cơ hội sống quý giá.

Sau chuyến bay VN1543 tôi đã nói chuyện rất nhiều với gia đình về nhiệm vụ của mình. Thực ra việc hiến tạng tôi đã nghĩ đến từ lâu và khi kết thúc chuyến bay trở về nhà tôi đã trao đổi với gia đình về việc cùng đăng ký hiến tạng, việc này mẹ tôi rất ủng hộ. Tôi nghĩ rằng khi mình qua đời nhưng có thể gửi tặng lại sự sống cho một hoặc nhiều người khác thì đó là việc rất đáng làm.

- Cảm ơn chị đã chia sẻ về một chuyến bay đặc biệt!

Châu Như Quỳnh