Ăn trứng cóc, trẻ 16 tháng tuổi ngộ độc nặng

Tuần qua khoa Cấp cứu Hồi sức Bệnh Viện Nhi Đồng 1 đã cứu sống một trường hợp ngộ độc trứng cóc. Đó là cháu H.M.L. (16 tháng tuổi).

Do thấy cháu L. biếng ăn, gầy ốm, chỉ có 8kg cân nặng, nên người nhà có làm thịt cóc và lấy cả phần trứng và gan cóc cho cháu ăn. Sau ăn khoảng 1 giờ cháu biểu hiện nôn ói, quấy khóc, thở mệt, được đưa đến bệnh viện địa phương, chẩn đoán ngộ độc cóc, sơ cứu rửa dạ dày, cho than hoạt tính để hấp thu độc chất, chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1.
 
Tại bệnh viện Nhi đồng, bé L. lừ đừ, bứt rứt, khó thở, ói mửa, nhịp tim chậm 70-80 lần/phút (bình thường nhịp tim ở lứa tuổi này khoảng 120 lần/phút). Ngay lập tức, bệnh nhi được thở oxy, tiêm atropine để cải thiện nhịp tim, tiếp tục cho uống than hoạt tính hấp thu độc chất còn lại trong đường tiêu hóa, tránh hấp thu vào máu, truyền dịch và điều chỉnh nước điện giải. Kết quả sau 2 ngày điều trị, tình trạng cháu cải thiện dần, tỉnh táo, nhịp tim trở về bình thường.
 
Theo BS Minh Tiến, thịt cóc có hàm lượng đạm sinh học, dinh dưỡng cao nên được một số phụ huynh cho con ăn, nhưng nếu không “làm kỹ” sẽ gây ngộ độc cho trẻ vì độc tố Bufotoxine có nhiều trong da, trứng, gan cóc. Biểu hiện triệu chứng lâm sàng thườngxuất hiện 1-2 giờ sau ăn, trẻ  đau bụng, ói, tiêu chảy, mạch , nhịp tim chậm, có thể đưa đến sốc mạch, huyết áp tụt. Ngoài  ra còn có biểu hiện tổn thương suy  gan, suy thận, đưa đến tử vong  nếu không điều trị kịp thời. Vì thế, trong chế biến thịt cóc, phải loại bỏ da, trứng, gan, đặc biệt tránh gây bể trứng, gan mật làm  thấm  độc tố vào thịt cóc gây  ngộ độc khi ăn.
 
Theo BV Nhi đồng 1