Gần 100 người mắc liên cầu lợn vì tiết canh

(Dân trí) - Mặc dù có nhiều cảnh báo nhưng số người mắc liên cầu lợn phải nhập viện năm 2015 đã tăng gấp đôi so với năm 2014, số tử vong cũng tăng từ 8 lên 13 trường hợp. Theo phân tích của ông Trần Đắc Phu, nguyên nhân của tình trạng trên là do tập quán ăn tiết canh, ăn thịt sống cũng như ăn uống không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tại cuộc họp khẩn cấp bàn các giải pháp chống dịch trong dịp Tết Nguyên Đán chiều 2/2, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho hay: Trong năm 2015 mặc dù ngành y tế và các bộ ngành liên quan đã đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, nhưng trên phạm vi cả nước vẫn xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể khiến hàng nghìn người phải nhập viện.

Đáng chú ý là bệnh lây qua đường ăn uống do vi khuẩn liên cầu lợn gây ra với 96 trường hợp mắc, trong đó có 13 trường hợp tử vong trong năm qua. Số mắc tăng 51 trường hợp, số tử vong tăng 05 trường hợp so với năm 2014.

Thói quen sử dụng món tiết canh trong cộng đồng đã khiến nhiều người mắc bệnh, tử vong
Thói quen sử dụng món tiết canh trong cộng đồng đã khiến nhiều người mắc bệnh, tử vong

Theo phân tích của ông Trần Đắc Phu, nguyên nhân của tình trạng trên là do tập quán ăn tiết canh, ăn thịt sống cũng như ăn uống không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vào dịp Tết Nguyên Đán, nhu cầu sử dụng các sản phẩm thịt tăng cao, đặc biệt nhiều hộ gia đình ở miền Bắc tổ chức giết thịt gia súc, gia cầm đón tết. Tình trạng sử dụng tiết canh, sản phẩm nem, chạo tươi sống sẽ gia tăng kéo theo nguy cơ mắc bệnh trong cộng đồng.

Hầu hết lợn mang vi khuẩn liên cầu không có biểu hiện triệu chứng, người dân thường chủ quan vì cho rằng lợn khỏe mạnh, khi giết thịt sẽ chế biến và ăn món tiết canh. Đây sẽ là hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe của rất nhiều người trong dịp tết.

Cùng với bệnh do liên cầu khuẩn lợn gây ra, mối nguy từ các chủng vi rút cúm gia cầm cũng đang đe dọa cộng đồng. Năm 2015, mặc dù Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc, song dịch liên tiếp xảy ra trên các đàn gia cầm tại một số tỉnh trên phạm vi cả nước. Nguy cơ lây nhiễm sang người là rất cao do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như tập quán giết mổ và ăn uống không đảm bảo vệ sinh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, để xảy ra tình trạng trên một phần là do công tác truyền thông đảm bảo an toàn thực phẩm chưa đến được với cộng đồng; ý thức của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân, phòng chống các bệnh lây lan qua đường ăn uống còn hạn chế. Mặt khác, tình trạng một số chủng vi rút gây bệnh trên gia súc, gia cầm xảy ra có thể là do mầm bệnh từ bên ngoài tràn vào. Đây là trách nhiệm của các ban ngành liên quan khi chưa thực hiện triệt để việc giám sát và ngăn chặn nguồn gia súc, gia cầm nhập lậu từ các tình thành tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM
Bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM

Trước mắt, để đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh các vụ ngộ độc, nhiễm bệnh qua đường ăn uống trong dịp tết, Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi người dân cần thực hiện triệt để giải pháp ăn chín, uống chín; nên bỏ thói quen ăn tiết canh, ăn các món tươi sống từ gia súc, gia cầm để tránh những cái chết thương tâm có thể xảy ra do nhiễm bệnh. Cộng đồng nên chọn mua những mặt hàng thực phẩm phục vụ tết có rõ nguồn gốc, đã qua kiểm dịch của cơ quan quản lý nhà nước.

Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong dịp tết, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, Bộ trưởng Kim Tiến đề nghị ngành y tế và các bộ ngành liên quan, cần thực hiện triệt để việc kiểm tra, giám sát nhập khẩu qua biên giới, ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm. Lực lượng quản lý thị trường, không để xảy ra tình trạng buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm từ gia súc, gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

Các đoàn thanh tra liên ngành cần đẩy mạnh kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên Đán, kiên quyết xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm. Giám sát chặt chẽ sự lưu hành các chủng cúm trên đàn gia cầm, chia sẻ thông tin, phối hợp xử lý triệt để ổ dịch, không để lây nhiễm sang người.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo trong dịp Tết cận kề, số mắc liên cầu lợn tăng lên. Từ Tết dương lịch đến nay viện tiếp nhận 4 ca liên cầu lợn trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn nguy hiểm.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới TƯ), cả 4 ca này và nhiều ca liên cầu lợn khác đều do món tiết canh.

Tại miền Nam, người dân ít ăn tiết canh nên căn bệnh này hiếm hơn, còn ở miền Bắc tiếp nhận bệnh nhân khá thường xuyên do đây là một tập quán khó bỏ.

“Tiết canh là món khoái khẩu nhưng lại tiềm ẩn lây truyền rất nhiều bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, sán, đặc biệt là liên cầu lợn. Một bệnh nhân bị bệnh liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễn khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng. Chi phí tốn kém lên tới vài trăm triệu đồng”, BS Cấp cho biết.

Ngoài gây bệnh lý nguy kịch tính mạng, căn bệnh này cũng để lại nhiều di chứng. Đến 40% bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn có biểu hiện giảm thính lực, thậm chí bị điếc vĩnh viễn.

Thêm một điểm cần lưu ý là đã từng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, người bệnh vẫn hoàn toàn có thể mắc lại lần sau vì không để lại miễn dịch lâu dài.

Hồng Hải

Vân Sơn