Ăn phải món kỵ nhau có thể tử vong

Theo các nhà chuyên môn, trong ẩm thực có nhiều món ăn không thể cùng lúc dùng chung với nhau được. Nếu thiếu hiểu biết, dùng các món này người ăn có thể đổ bệnh hoặc tử vong.

Ngày 1/4, bé T.V.H, 6 tháng tuổi, ngụ tại Long An, được đưa đến Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TPHCM trong trạng thái khó thở, tim có dấu hiệu ngừng đập, toàn thân tím tái. Nhờ các y-bác sĩ BV liên tục áp dụng những biện pháp hồi sức tích cực, bé mới thoát khỏi cơn nguy kịch.

 

Theo lời bà ngoại của bé V.H, khi được 3 tháng, H. có dấu hiệu ngán sữa mẹ. Để thay đổi khẩu vị cho bé, người nhà đã lấy nước củ dền pha với sữa cho bé uống vì nghĩ rằng cả 2 món đều bổ, uống vào rất tốt. Uống hỗn hợp nước này được 1 tháng thì bé có những dấu hiệu nói trên.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Trưởng Khoa Dinh dưỡng BV Nhi Đồng 1, nếu đến BV muộn, bé V.H có thể tử vong. Bác sĩ Hoa phân tích: Chất nitrat trong nước củ dền rất dễ kết hợp với hồng cầu của bệnh nhân, làm cản trở sự vận chuyển ô-xy trong cơ thể. Dùng lâu ngày trẻ sẽ bị thiếu ô-xy, tím tái, tính mạng bị đe dọa. Trước đây, mỗi ngày Khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận không ít trường hợp như thế này, nhiều ca chuyển đến quá muộn nên không tránh khỏi tử vong.

 

Trái với trường hợp trên là câu chuyện đau lòng của chị N.N, ngụ tại ấp Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Do quên mua đường cát, chị lấy mật ong cho mẹ chồng ăn chung với tàu hũ. Ăn xong vài giờ, mẹ chồng chị than mệt, khó thở, một hồi sau thì hôn mê. Chuyển đi BV, giữa đường bà tử vong. Đến nay chị cũng không biết bà mất vì bị bệnh tim mạch sẵn có hay vì 2 món ăn kỵ nhau.

 

Nhưng theo lương y Trần Khiết, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, nhiều khả năng do thức ăn gây ra. Ông nói: “Trong tàu hũ thường có thạch cao và trong mật ong thì có đường. Hai thành phần này gặp nhau sẽ tạo hiện tượng vón cục, đông cứng trong dạ dày làm người ăn khó thở, hụt hơi rồi hôn mê. Đặc biệt, nếu người đó có bệnh về tim mạch, thời gian dẫn đến tử vong càng nhanh hơn”.

 

Một số món ăn không nên dùng chung

 

Thạc sĩ Đào Mỹ Thanh, Trưởng Khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết trên thực tế có nhiều thực phẩm mà người tiêu dùng không nên ăn chung vì dễ gây tác hại cho hệ tiêu hóa, tim mạch, dạ dày và tuyến giáp trạng:

 

- Sữa đậu nành và trứng gà: Vì sữa có men protidaza kiềm chế các protein trong trứng gà gây cản trở tiêu hóa làm khó tiêu, đầy bụng

 

- Sữa bò và nước hoa quả: Vì nước hoa quả có tính axít làm biến đổi tính chất của sữa bò gây khó tiêu.

 

- Củ cải trắng và các loại lê, táo, nho: Vì ceton đồng có trong những loại trái này phản ứng với axit cianogen lưu huỳnh có trong củ cải khiến người ăn bị suy tuyến giáp trạng và bướu cổ.

 

- Khoai lang và quả hồng: Vì tinh bột trong khoai lang kích thích dạ dày tiết ra axít tác dụng với chất chát tanin trong quả hồng gây viêm loét và chảy máu dạ dày.

 

- Thịt chó và nước trà: Vì tanin trong nước trà tác dụng với proin trong thịt chó làm se niêm mạc ruột, giảm nhu động ruột, lúc này ruột tích tụ nhiều chất có hại dẫn đến táo bón, nguy cơ gây ra ung thư.

 

- Uống nhiều nước có gas trong bữa ăn:  Vì sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, cụ thể là làm loãng dịch vị, gây cản trở co bóp thức ăn dẫn đến viêm dạ dày.

 

- Nước rau quả pha chung với sữa cho trẻ uống vì về lâu dài sẽ bị bệnh Methemoglobin (một loại bệnh gây khó thở, tím tái và tử vong)

 

- Óc heo và trứng gà vì sẽ làm tăng lượng cholesterol trong máu dễ bị tử vong do cao huyết áp.

 

 6 điều cần tránh khi cho trẻ ăn uống

 

1. Cho trẻ uống kèm nước hoa quả trong giai đoạn bú sữa mẹ.

 

2. Dùng nước rau quả pha với sữa.

 

3. Khi dùng các loại xúp, chỉ cho trẻ ăn phần nước mà không cho ăn phần cái, trong khi phần nước lại có tanin gây cản trở sự hấp thu thức ăn.

 

4. Không cho trẻ ăn nhiều dầu mỡ, làm hạn chế khả năng hấp thu vitamin trong cơ thể trẻ với các chất dinh dưỡng.

 

5. Cho trẻ ăn lòng trắng trứng sống dẫn đến tình trạng thiếu khí biotin làm trẻ bị lở loét miệng.

 

6. Cho ăn liên tục các loại trái cây, rau củ có màu vàng (bí đỏ, cà rốt, đu đủ) khiến trẻ bị vàng da.

 

Theo BS. Nguyễn Thị Hoa

Người lao động