78% người mắc tiêu chảy cấp thích ăn hàng

(Dân trí) - Đợt dịch thứ 3 này cho thấy, 78% người mắc bệnh ở lứa tuổi 20 - 29 là lứa tuổi thích sống lưu động, thích ăn ngoài gia đình, sử dụng thường xuyên thịt chó, mắm tôm, rau thơm và tiết canh lòng lợn.

Ông Trần Đáng - Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) cho biết tại cuộc họp báo với chủ đề “An toàn thực phẩm” diễn ra ngày 7/4, tại Hà Nội.

 

Ông vừa thông báo: tại một số nhà hàng lớn ở Hà Nội cũng tìm thấy vi khuẩn gây tiêu chảy. Ông có thể cho biết cụ thể về vấn đề này?

 

Mới đây nhất Cục ATVSTP cùng Viện Dinh dưỡng đã tổ chức các đoàn kiểm tra và lấy mẫu một số thực phẩm có nguy cơ cao như: mắm tôm, rau sống chưa rửa và rau sống đã rửa... về TT Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm, thuộc viện Dinh Dưỡng, để xét nghiệp. Đối với mắm tôm, chúng tôi tiến hành lấy mẫu tại Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Hà Nam, Hải Phòng - đây là những địa phương chuyên cung câp mắm tôm cho Hà Nội.

 

Kết quả xét nghiệm cho thấy, mắm tôm về đến Hà Nội thường đã bị pha nước nên nồng độ mặn giảm đi đáng kể. Một số mẫu bị nhiễm khuẩn trong quá trình pha chế, vận chuyển, phổ biến là vi khuẩn Cl, perfringens; Cl teteani; Coliforms... là những loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột.

 

Đối với rau sống chưa rửa và rau sống đã rửa, xa lát dưa chuột, cà chua sống dùng cho khách ăn ngay, chúng tôi lấy mẫu ngẫu nhiên tại một số nhà hàng, quán ăn lớn ở Hà Nội (nằm trên đường Trần Duy Hưng, phố Xã Đàn, phố Trần Hưng Đạo...). Kết quả xét nghiệm cho thấy rau sống chứa rất nhiều vi khuẩn, trong đó có cả khuẩn gây bệnh tiêu chảy. Các loại rau dùng ăn ngay cũng không đảm bảo vệ sinh.

 

Điều này cho thấy, khuẩn phẩy tả không chỉ có ở các quán ăn hè phố, gánh hàng rong hay trong chợ mà còn tiềm ẩn tại các nhà hàng, quán nhậu trong thành phố.

 

Nghĩa là những người có thói quen ăn hàng, quán là những đối tượng có nguy cơ mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm nhiều nhất?

 

Đợt dịch thứ 3 này cho thấy, 78% người mắc bệnh ở lứa tuổi 20 - 29 là lứa tuổi thích sống lưu động, thích ăn ngoài gia đình, sử dụng thường xuyên thịt chó, mắm tôm, rau thơm và tiết canh lòng lợn. Đây là những thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm cao nhất. Trong khi đó, những đối tượng này thường không rửa tay.

 

Đáng lưu ý là trong đợt dịch này có rất nhiều thanh niên là thợ xây, lao động mùa vụ. Họ có thói quen ăn uống khá cẩu thả. Các ổ dịch bùng phát đợt này đều nằm ở các điểm có bán món thịt chó (ăn kèm với rau sống, mắm tôm) có đông người ăn như: Bà Triệu, Văn Chương, Láng Thượng, Phạm Đình Hổ, Mai Động.

Chỉ trong 6 tháng, tại miền Bắc đã xảy ra 3 đợt dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm trong đó có tả. Đợt 1 diễn ra từ 23/10 đến 6/12/2007 tại 13 tỉnh, với gần 1.900 ca mắc, 295 ca nhiễm tả. Đợt thứ 2 xảy ra từ 24/12/2007 đến 5/2/2008 chỉ riêng tại Hà Nội, với 58 bệnh nhân, trong đó 32 nhiễm khuẩn tả.

 

Đợt thứ 3 xảy ra từ 6/3, tính đến 2/4, có gần 370 người nhập viện, 85 ca dương tính với tả. Nhưng đến chiều 7/4, những người có trách nhiệm của Bộ Y tế từ chối công bố con số bệnh nhân tiêu chảy cấp. Tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, số lượng bệnh nhân nhập viện do tiêu chảy cấp vẫn tiếp tục gia tăng.

 

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết ngoài hồ Linh Quang, Viện này còn phát hiện phẩy khuẩn tả trong mẫu nước ở một số đoạn sông Nhuệ (đoạn chạy qua 3 tỉnh Hà Tây, Hà Nam và Hà Nội). Viện này cảnh bảo nguy cơ từ những động vật thủy sinh như cua, ốc... hoặc cây trồng trong nguồn nước nhiễm tả sẽ có thể gieo rắc bệnh này cho con người.

Ông có nhận xét rằng, chúng ta đang khống chế dịch trong tình trạng khá luẩn quẩn...?

 

Đúng vậy, hiện rất nhiều người vẫn giữ thói quen ăn rau sống. Trong khi đó, rau này được trồng chủ yếu ở ven đô và các tỉnh gần Hà Nội như Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và thường được bón bằng phân tươi lấy từ Hà Nội về (được chở bằn xe thồ hoặc xe hút bể phốt). Khi rau đến lứa thu hoạch, người ta đem bán về Hà Nội.

 

Trong thời gian rau lưu hành ở chợ, người bán hàng lại dùng nước ở hồ ao tưới rau, mà hồ ao thì cũng đang nhiễm khuẩn phẩy tả. Rau được nhiều người mua về ăn sống, người ăn đương nhiên đã nhiễm khuẩn. Nhưng từ khi ủ bệnh đến lúc phát bệnh, họ đã kịp thải ra môi trường bên ngoài (không ít đối tượng thải trực tiếp ra hồ ao) không biết bao nhiêu là mầm bệnh. Đó là các vi khuẩn đường ruột khác nhau: tả, lỵ, thương hàn...

 

Việc xử lý chất thải của người nhiễm khuẩn tả cũng chưa đảm bảo triệt để và rất khó kiểm soát nên mầm bệnh có cơ hội toả đi khắp nơi.

 

Ngoài ra, cũng còn rất nhiều người dù không ăn rau sống nhưng nhất định không chịu rửa tay trước khi ăn và khi vệ sinh. Nếu sau khi vệ sinh mà rửa tay không sạch thì vi khuẩn từ phân có thể nhiễm vào bàn tay rồi lây nhiễm qua đường ăn uống.

 

Bàn tay của những người chế biến thực phẩm đường phố cũng rất đáng ngại. Tỷ lệ bàn tay có vi khuẩn E.coli và các vi khuẩn đường ruột khác, trong đó có khuẩn tả lên tới 70 - 80%. Mặt khác nếu có rửa tay bằng nước bẩn thì cũng coi như chưa rửa.

 

Đó là chưa kể đến yếu tố ruồi và bụi xâm hại đến thức ăn.

 

Trước tình trạng dịch tai diễn dai dẳng, như vậy, các cơ quan chức năng áp dụng biện pháp mạnh gì để khống chế triệt để?

 

Bộ Y tế đã yêu cầu sự hỗ trợ từ nhiều Bộ khác. Đã 5 đoàn thành tra liên Bộ được thành lập, cloramin B cũng đã chuẩn bị để sát khuẩn các ổ dịch. Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất chính là ý thức giữ ghìn vệ sinh trong ăn uống của người dân.

 

Khác với những loại dịch bệnh khác, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm xuất phát chính từ thói quen ăn uống mất vệ sinh của người dân. Vì vậy, biện pháp dập dịch đơn giản nhất, rẻ tiền nhất nhưng cũng hiệu quả nhất là người dân hãy thực hiện nguyên tắc đơn giản của WTO đã đưa ra từ năm 1987 là: Nấu chín thức ăn - Đun sôi nước uống - Rửa tay sạch.

 

Cảm ơn ông!

 

P. Thanh