67% bệnh nhân thận đến viện phải lọc máy cấp cứu

(Dân trí) - Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 8.000 bệnh nhân suy thận mới. Tuy nhiên, do chưa nhận thức đầy đủ về bệnh, nên đa số người bệnh đến viện ở giai đoạn rất muộn. Có tới 67% bệnh nhân thận đến viện phải tiến hành lọc máu ngay nếu không sẽ tử vong.

Thông tin trên được PGS Nguyễn Nguyên Khôi, Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết trong buổi mit tinh hưởng ứng "Ngày thế giới phòng, chống bệnh thận" chiều nay tại Hà Nội.

Ông Khôi cho biết thêm, ngoài nguyên nhân từ phía người bệnh (đến viện muộn) còn có nguyên nhân do thiếu bác sĩ chuyên khoa ở tuyến cơ sở, do số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, trong khi chúng ta chưa đủ điều kiện kinh tế, kỹ thuật để có thể tiến hành khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh thận. Theo thống kê, có tới 50% bệnh nhân thận được chẩn đoán sai. Không được điều trị sớm nên phần lớn bệnh nhận đến viện khi bệnh đã nặng và cần phải lọc máu ngay. Trong những trường hợp này, chi phí điều trị rất tốn kém, và tuổi thọ người bệnh cũng bị rút ngắn.

Theo số liệu thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 5,4 triệu bệnh nhân suy thận. Trong đó, bệnh nhân suy thận cần lọc máu chiếm khoảng 72.000 bệnh nhân. Tuy nhiên, mới chỉ khoảng 10% bệnh nhân được lọc máu, còn lại 90% bệnh nhân đều tử vong.

Vì thế, để giảm nguy cơ tử vong do bệnh nhân, phát hiện, điều trị sớm là yếu tố vô cùng quan trọng. Những đối tượng có nguy cao như người cao tuổi, tiền sử gia đình bị bệnh thận mạn tính, béo phì, bị bệnh lý cầu thận, tăng huyết áp, đái tháo đường... cần được thường xuyên kiểm tra để phát hiện và điều trị sớm nguy cơ bị suy thận.

Hồng Hải