6 nguyên nhân gây ung thư gan bạn cần biết

Hà An

(Dân trí) - Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan như giới tính, xơ gan, gan nhiễm mỡ, viêm gan B, viêm gan C, béo phì, nhiễm độc tố aflatoxin do nấm mốc…

TS.BS Phạm Tuấn Anh, Phó Trưởng khoa Điều trị yêu cầu, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) cho biết nguyên nhân gây ung thư gan đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như giới tính (thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới), những người mắc bệnh gan mạn tính (xơ gan), gan nhiễm mỡ, viêm gan B, viêm gan C, béo phì, nhiễm độc tố aflatoxin do nấm mốc… Ngoài ra, nguyên nhân gây ung thư gan có thể liên quan đến các yếu tố môi trường, chế độ ăn uống lạm dụng rượu bia, thuốc lá...

6 nguyên nhân gây ung thư gan bạn cần biết - 1

Xơ gan

Trong thực tế lâm sàng người ta nhận thấy 70-80% ung thư gan phát triển trên nền xơ gan, do đó các yếu tố nguy cơ của xơ gan cũng được xem là yếu tố nguy cơ của ung thư biểu mô tế bào gan.

Viêm gan B

Nhiễm virus viêm gan B mạn tính được xem là nguyên nhân quan trọng nhất gây ung thư gan, đặc biệt là tại châu Á, châu Phi. Những người mắc viêm gan B có nguy cơ bị ung thư gan cao gấp khoảng hơn 200 lần so với người không mắc viêm gan B. 

Khoảng 80% các trường hợp mắc ung thư trên thế giới và  khoảng 70% ở Việt Nam là do virus viêm gan B gây ra. Mỗi năm có khoảng 0,5% những người nhiễm virus viêm gan B mạn tính sẽ phát triển thành ung thư gan.

Viêm gan C

Virus viêm gan C chiếm khoảng 30-50% các trường hợp mắc ung thư gan ở Mỹ, và khoảng 7% các trường hợp mắc ung thư gan ở Việt Nam. Vì lý do này, những người mắc viêm gan C nên tầm soát ung thư định kỳ để phòng bệnh hoặc xử lý kịp thời những bất thường.

Thói quen uống rượu bia

Những người nghiện rượu có nguy cơ mắc ung thư gan cao gấp 4-5 lần so với những người không nghiện rượu. 

Thuốc lá

Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư gan cao gấp 2-8 lần so với những người không hút. 

Aflatoxin

Aflatoxin được bài tiết từ nấm Aspergillus flavus thường có trong lúa mì, lạc, ngô… bị mốc.