40 lần hiến máu cứu người

(Dân trí) - Không chỉ tham gia, vận động, tổ chức các đợt hiến máu, anh còn thông qua Hội, tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo hướng về cộng đồng. Anh là BS Phạm Quốc Hùng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ BV Hùng Vương (TPHCM), người đã 40 lần tự nguyện hiến máu cứu người.

Xuất phát từ tình người

 

Năm 1988, tốt nghiệp ngành Ngoại sản tại ĐH Y Hà Nội, BS Phạm Quốc Hùng về công tác tại huyện Duyên Hải (Cần Giờ ngày nay). Vào thời điểm này, nơi đây còn là một huyện khó khăn và nghèo nhất thành phố, lại là ổ dịch sốt rét rất nguy hiểm với trên 80% dân số bị sốt rét, rất nhiều trường hợp tử vong do sốt rét ác tính trong khi toàn ngành y tế Cần Giờ lúc đó chỉ có 9 bác sĩ làm việc.

 

Bác sĩ Hùng kể: “Lúc đó cũng lo lắm, với những khó khăn trước mắt, lại mới ra trường không biết có hoàn thành nhiệm vụ không. Khi thấy nhiều người dân vì quá nghèo mà muốn chữa trị bệnh phải đi xa tốn kém, vì thế bằng sự nổ lực và chịu khó của các anh em đồng nghiệp, chúng tôi đã tranh thủ được sự giúp đỡ của các bệnh viện thành phố để tổ chức phẫu thuật tại chỗ cho bà con như mổ viêm ruột thừa, triệt sản... Trực tiếp cấp cứu nhiều trường hợp hiểm nghèo do tai nạn giao thông, tai nạn lao động bị mất máu nặng mà không có máu. Nhưng chỉ tiếc là có trường hợp tử vong chỉ vì không có máu để cấp cứu kịp thời. Những lúc đó buồn lắm anh à”.

 

Nói tới đây, BS Hùng trầm ngâm một lúc, đôi mắt của anh ánh lên một nổi buồn vì không thể thay đổi tình hình lúc bấy giờ. Anh tâm sự lúc đó máu tích trữ không có mà nhu cầu thì nhiều, muốn có phải lên các bệnh viện của thành phố, chứ ở huyện nghèo như Duyên Hải không thể đáp ứng được. Từ đó, lúc nào anh cũng mang tâm trạng phải làm sao khắc phục việc thiếu máu để có thể cứu được nhiều người dân, không để họ phải thiệt thân chỉ vì thiếu máu.

 

Năm 1995, trong một lần đi công tác tại thành phố anh gặp đơn vị Hội Chữ thập đỏ thành phố đang phát động phong trào hiến máu nhân đạo. Anh rất vui và tình nguyện hiến máu, sau đó thường xuyên hiến máu trong những lần về thành phố công tác và tham gia tại huyện khi có xe lưu động về, có năm 1 - 2 lần, có năm 3 - 4 lần và hiện nay là 3 lần/năm. Tính tổng số lần hiến máu của anh là 40 lần cho 13 năm hiến máu, trong đó có 1 lần tại Hà Nội khi tham dự Festival Trái tim Nhân ái năm 2008 và 39 lần tại TP.HCM.

 

Từ ngày tham gia hiến máu lần đầu tiên, bác sĩ Hùng đã quan tâm đến hoạt động của Hội Chữ thập đỏ. Anh tham gia Hội bắt đầu từ hình thức hỗ trợ anh, em đội lưu động trong việc ăn ở, nghỉ ngơi, vận động đồng nghiệp, bà con địa phương cùng tham gia hiến máu mỗi khi anh em về tiếp nhận máu. Anh kể: “Có lần để hiến máu anh phải chạy 60km đến nơi tiếp nhận máu, sau đó lại về cơ quan làm việc nhưng tôi không cảm thấy mệt mà vui lắm, vì có thể giúp được một người bệnh nào đó đang rất cần máu để được cứu sống”.

 

Còn sức khoẻ... còn hiến máu

 

Đây là lời khẳng định của BS Phạm Quốc Hùng đối với phong trào hiến máu nhân đạo thời gian tới. Sau 14 năm công tác tại Bệnh viện Duyên Hải, lần lượt là trưởng khoa Ngoại Sản, trưởng phòng Y vụ rồi được điều về UBND huyện Duyên Hải làm Phó Chủ nhiệm thường trực UB Dân số KHHGĐ (UB Dân số Gia đình và Trẻ em). Năm 2003 chuyển về bệnh viện Hùng Vương (TP HCM). Về đây, bác sĩ Hùng đã vận động ban lãnh đạo bệnh viện tham gia các hoạt động hiến máu nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ. Được sự chấp thuận của Ban giám đốc bệnh viện Hùng Vương, năm 2005, BS Hùng tiến hành vận động xây dựng phong trào Hiến máu tại bệnh viện từ 2 lần năm 2005 và mỗi năm 3 lần từ 2006 tới nay. Năm 2007 vận động thành lập Hội Chữ Thập đỏ bệnh viện và là Chủ tịch Hội cho tới nay. 

 

Nhớ lại những lần đầu tiên vận động hiến máu, có nhiều người chưa hiểu không muốn tham gia nên số lượng còn ít, nhiều lúc phải nhờ đến sự chỉ định của bệnh viện để có máu cứu người. Để tăng sự quan tâm của nhân viên trong cơ quan, ngay cả Ban giám đốc bệnh viện cũng đến tham gia  hiến máu. Một thời gian sau khi đã hiểu ra, thấy hiến máu mà không ảnh hưởng gì, lại có thể cứu giúp nhiều người bệnh nên đa số  nhân viên trong bệnh viện đã hưởng ứng nhiệt tình.

 

Hiện nay, đối với BS Hùng niềm vui duy nhất của anh là được cống hiến vì cộng đồng. Từ chỗ những lần đầu đi hiến máu 1 mình, tới nay mỗi lần tham gia đã có hàng chục đồng nghiệp cùng tham gia. Nhiều người đã hiểu nghĩa cử hiến máu là một hành động tốt đẹp, cống hiến cho cộng đồng và đã tham gia hoàn toàn tự nguyện, không còn do chỉ tiêu, không do bắt buộc mà chỉ là việc nên làm mà mỗi người đều có thể làm được. Bác sĩ Hùng khẳng định: “Bản thân nghĩ rằng sẽ tham gia phong trào hiến máu đến khi nào sức khỏe còn cho phép và tin rằng còn có thể tham gia được ít nhất là 40 lần nữa”.

 

Không chỉ tích cực tham gia và vận động tổ chức các đợt hiến máu, với nhiệm vụ phụ trách công tác Hội, BS Hùng còn tổ chức và tham gia nhiều hoạt động nhân đạo hướng về cộng đồng khác của Hội như khám bệnh từ thiện, tặng Nhà tình thương, giúp bệnh nhân nghèo, nuôi trẻ mồ côi,…

 

Nhắc đến vợ con, BS Hùng cho biết: “Mới đầu vợ mình cũng lo cho mình lắm, lúc đầu cũng ngăn cản nhưng sau thấy sức khoẻ mình bình thường nên không can ngăn nữa. Các con thì bảo lớn lên cũng tham gia hiến máu cứu người như bố”.

 

Với những thành tích trong hoạt động, BS Phạm Quốc Hùng đã được tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp Dân số, Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều bằng khen của Bộ trưởng và Chủ tịch UBND thành phố, nhiều Giấy khen của các cấp, các ngành,… Đặc biệt trong lần kỷ niệm 62 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sắp tới, bác sĩ là một trong những người được Hội Chữ thập đỏ TP HCM tuyên dương “Hoa việc thiện năm 2008”

 

Hoài Lương