40% dân số không “mặn mà” với bảo hiểm y tế

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện Chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến tháng 6 năm 2011, vẫn khoảng 34 triệu người (40% dân số) chưa tham gia bảo hiểm y tế.

 

40% dân số không “mặn mà” với bảo hiểm y tế  - 1

Hướng dẫn người dân làm thủ tục khám bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

 

Tại hội nghị tổng kết hai năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế do Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức ngày 17/10 ở Hà Nội, ông Sơn đánh giá khó khăn vướng mắc nhất hiện nay là việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khi tâm lý người dân vẫn lo ngại có nhiều bệnh viện thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực y tế còn nhiều hạn chế.

 

Những tác động tích cực

 

Luật Bảo hiểm y tế đã được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2008 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2009.

 

Theo đánh giá của Bộ Y tế, sau hai năm thực hiện, Luật Bảo hiểm y tế đã từng bước đi vào cuộc sống, đã tác động tích cực đến chính sách bảo hiểm y tế tại Việt Nam, khẳng định tính đúng đắn và phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua bảo hiểm y tế.

 

Theo thông tin từ bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến tháng 6/2011 đã có 53,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng gần 14 triệu người so với năm 2008.

 

Khu vực có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cao nhất là vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, đạt tới 77% dân số, trong đó các tỉnh miền núi phía Bắc như Bắc Kạn, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng… có tỷ lệ bao phủ đạt tới 95% dân số.

 

Khu vực có tỷ lệ bao phủ thấp nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ bao phủ chưa được 50% dân số. Một số tỉnh có dưới 45% dân số có bảo hiểm y tế như Tây Ninh, Bình Phước, Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hậu Giang...

 

Trong năm 2010 đã có 106 triệu lượt người bệnh có bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh, tần suất khám chữa bệnh bình quân 2,1 lần/người/năm. Tỷ lệ bệnh nhân khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện chiếm khoảng 70-80% tổng số bệnh nhân khám chữa bệnh chung.

 

Năm 2010, cả nước có gần 2.200 cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội gồm 1.900 cơ sở công lập và gần 300 cơ sở ngoài công lập. Số trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chiếm khoảng 60% tổng số trạm y tế xã trên cả nước, tăng 10% so với năm 2009.

 

Việc có nhiều cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các dịch vụ y tế của người có thẻ bảo hiểm y tế, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi… đồng thời, góp phần giảm tải ở tuyến trên và tiết kiệm chi phí cho người bệnh cũng như xã hội.

 

Nhiều e ngại hiện hữu

 

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) nhấn mạnh, trong 2 năm triển khai Luật Bảo hiểm y tế vừa qua vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc.

 

Nhiều bệnh viện đều quá tải, nhất là ở các cơ sở tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Tình trạng bệnh nhân phải chờ đợi lâu khi khám chữa bệnh, nằm chung giường bệnh còn khá phổ biến khiến nhiều người ngại tham gia và sử dụng các dịch vụ do bảo hiểm y tế chi trả. Đặc biệt tại nhiều vùng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực y tế còn nhiều hạn chế, nhất là ở tuyến y tế cơ sở và tại các vùng sâu, vùng xa (tỷ lệ các trạm y tế xã có bác sỹ hiện mới đạt khoảng 70%).

 

Bên cạnh đó, chế tài xử phạt hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế chưa có, cơ quan Bảo hiểm xã hội không có chức năng thanh tra, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật mà phải thông qua các cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan chức năng cho nên số vụ việc được thanh tra, xử lý còn ít, có nhiều trường hợp không được thực hiện.

 

Ông Phạm Lương Sơn bày tỏ điều đáng lo ngại nhất hiện nay là có rất nhiều đối tượng hiện chưa được tiếp cận và không muốn tham gia bảo hiểm y tế.

 

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết năm 2010, còn gần 2 triệu trẻ chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Nguyên nhân chủ yếu của việc cấp thẻ chưa đầy đủ cho đối tượng này là công tác bàn giao danh sách trẻ dưới 6 tuổi giữa Bộ Lao động Thương binh & Xã hội và cơ quan Bảo hiểm xã hội còn chậm; chưa thống nhất quy trình cấp thẻ bảo hiểm y tế tại địa phương.

 

Ước tính hiện có gần 12 triệu người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhưng chỉ có 6,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt 53%. Các đối tượng chưa tham gia bảo hiểm y tế chủ yếu là người lao động trong các doanh nghiệp tư nhân.

 

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là chủ sử dụng lao động không đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm y tế cho người lao động trong khi nhận thức của chủ sử dụng lao động chưa đầy đủ, một bộ phận người lao động còn chưa thật sự quan tâm đến quyền lợi về bảo hiểm y tế của bản thân….

 

Theo báo cáo của các địa phương, năm 2010 mới hơn có 800.000 trong tổng số khoảng 6 triệu người thuộc hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế.

 

Nguyên nhân cơ bản là do nhiều địa phương chưa kịp thời lập được danh sách hộ cận nghèo mà chỉ tập trung bình xét và lập danh sách hộ nghèo. Đặc biệt, có địa phương ngân sách nhà nước đã hỗ trợ đến 80% như Bắc Ninh, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long được dự án hỗ trợ thêm 30%, người dân chỉ phải đóng 20% nhưng số đối tượng tham gia vẫn đạt thấp.

 

Số người tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế còn thấp, đa số trong đó là những người mắc bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo mới tham gia để được hưởng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tính đến hết năm 2010, số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện mới đạt hơn 4 triệu người.

 

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các đại biểu tích cực thảo luận các biện pháp mở rộng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế để đẩy nhanh tiến độ thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, đặc biệt là giải pháp tăng tỷ lệ bảo hiểm với đối tượng cận nghèo, học sinh sinh viên và đối tượng tự nguyện.

 

Bên cạnh đó là việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, giảm tình trạng vượt tuyến, giảm tình trạng quá tải bệnh viện... để thu hút người dân tham gia bảo hiểm y tế./.

 

Theo Thùy Giang

Vietnam+