15 triệu chứng cần cảnh giác

(Dân trí) - Chúng ta thường chủ quan coi thường khi gặp một số triệu chứng mà quên rằng, đó là các tín hiệu báo động một số bệnh cần điều trị kịp thời.

1. Đau đầu

 

Đau đầu nhẹ có thể là do căng thẳng, mệt mỏi, ô nhiễm, nước hoa, thuốc lá và lo lắng.

 

Có tới 15% phụ nữ trên thế giới mắc chứng đau nửa đầu, biểu hiện là các mạch thái dương giật giật, buồn nôn, chảy nước mắt, ói mửa, nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn.

 

Chứng đau này có thể là do thức ăn, đồ uống, thay đổi hormon, căng thẳng, ngủ thất thường, cố gắng thái quá về thể chất hay trí tuệ.

 

Nếu đau khác thường, bạn cần phải đi khám bác sỹ, nhất là khi cảm thấy dường như tim đập mạnh trong đầu, bởi các triệu chứng trên thường gặp ở bệnh ung thư não.

 

2. Xây xẩm mặt mày và chóng mặt

 

Theo giáo sư Anne Bruneau (Pháp) thì 99% các ca bị choáng váng (cảm giác như đi trên ván trượt bồng bềnh) là vô hại, có thể là do mệt mỏi, ăn không đủ chất đủ no (dẫn tới hạ đường huyết, thiếu máu).

 

Thay đổi áp suất nhanh cũng có thể dẫn tới choáng váng, ví dụ như tỉnh giấc và rời giường ngủ quá nhanh vào sáng sớm.

 

Chóng mặt (cảm giác như đang đứng trên vòng quay) có thể xảy ra khi quay đầu nhanh, bệnh viêm mê đạo (ở tai) kéo dài nhiều tuần.

 

Cần phải đi khám ngay khi thấy choáng váng, chóng mặt đi kèm với các triệu chứng liên quan đến thần kinh (đau đầu dữ dội, rối loạn thị giác, thính giác, khó khăn trong đi lại và nói chuyện) và tình trạng đó lặp đi lặp lại, gây khó chịu vì đó có thể là dấu hiệu của tai biến mạch máu não.

 

3. Da biến sắc

 

Quá trình lão hoá hoặc ánh nắng mặt trời có thể gây ra sự xuất hiện của những vết nâu nhạt, nốt ruồi trên da.  Ngoài ra, các thay đổi về hormon (mang thai, uống thuốc tránh thai, liệu pháp hormon) cũng có thể là nguyên nhân khiến da biến sắc.

 

Khi thấy phần da biến sắc trở nên đậm và lớn hơn, có viền bao quanh và chảy máu, đó là các dấu hiệu của ung thư da nên cần đến các trung tâm y tế có uy tín khám.

 

4. Khát nước thường xuyên

 

Mất nước có thể do nóng, tiêu chảy, sốt, tác dụng phụ của một số thuốc đang dùng hay các loại thuốc lợi tiểu như cà phê, trà và các sản phẩm chứa đường tự nhiên (glucazamin). Nhưng khát nước thường xuyên cũng là một trong các triệu chứng chính của tiểu đường.

 

Bạn là người ngủ ngáy thì chuyện ban đêm, bạn thấy khát và thức dậy để uống nhưng chỉ cần ngụm nhỏ là đủ, còn phải uống rất nhiều mới đã thì đó rất có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường.

 

5. Tiểu tiện liên tục

 

Khi uống nước quá nhiều thì tiểu tiện liên tục là bình thường, nhất là trong trường hợp sử dụng thuốc lợi tiểu. Nhu cầu tiểu tiện tăng dần theo tuổi tác và rất nhiều sau khi sinh. Tuy nhiên, tiểu tiện liên tục cũng có thể liên quan đến tiểu đường.

 

Nếu tiểu tiện hơn 8 lần/ngày và 2 lần/đêm mà không có lý do rõ ràng thì trước tiên nó sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.

 

Cần cảnh giác khi tiểu tiện đi kèm các biểu hiện sau: tiểu tiện buốt, khó khăn, có mùi và thấy có máu vì khi đó có thể bạn đang bị nhiễm trùng đường niệu và nếu không điều trị ngay sẽ ảnh hưởng đến thận.

 

6. Ho dai dẳng

 

Ho do sổ mũi có thể kéo dài trong 2 tuần, nhưng ho dai dẳng thì đó có thể là viêm phế quản.

 

Thuốc lá, một số thuốc điều trị bệnh cao huyết áp, viêm mũi cũng có thể dẫn đến ho kinh niên, còn ở người trẻ tuổi, ho là một trong những dấu hiệu đầu tiên của bệnh hen.

 

Khi ho kéo dài trên 2 tuần, thì cần tới bác sỹ khám.

 

7. Thay đổi trọng lượng cơ thể

 

Giảm cân có thể là do căng thẳng, buồn rầu, chứng tăng tiết tuyến giáp, tiểu đường, bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer ở những người lớn tuổi, ung thư.

 

Khi trọng lương cơ thể thay đổi một các đáng kể (5-10% so với trọng lượng ban đầu) thì rất đáng báo động.

 

8. Táo bón hoặc tiêu chảy

 

Táo bón có thể là do chế độ dinh dưỡng ít chất xơ, giàu chất sắt hoặc uống ít nước và lười vận động. Ngoài ra, căng thẳng, lo lắng, thuốc trị bệnh hay thuốc bổ (bổ sung can-xi), bệnh trĩ cũng dẫn tới táo bón.

 

Cần chú ý khi ăn dứa hoặc cùi dừa vì hai loại trái cây này thường gây tiêu chảy. Tiêu chảy do vi rút kéo dài tới 7-10 ngày. Nếu tiêu chảy kèm theo táo bón là do ruột kết bị kích thích.

 

Khi bị tiêu chảy hay táo bón có nguyên nhân không rõ ràng, táo bón đi kèm với đau bụng dưới, có máu hoặc nước nhầy trong phân thì cần tới khám ở bác sỹ, vì có thể bạn bị mắc ung thư ruột kết.

 

Đặc biệt nghiêm trọng nếu tiêu chảy kéo dài hơn 10 ngày kèm theo sốt.

 

9. Đau lưng

 

Bạn đau lưng là do căng thẳng, ngồi sai tư thế khi làm việc (nghiêng nhiều về phía trước), thiếu vận động, cử động sai hoặc làm một việc quá sức. Ở phụ nữ nhiều tuổi, đau lưng là do hư khớp vì càng nhiều tuổi, phụ nữ có xu hướng tăng cân dẫn tới lực tác động lên cột sống cũng tăng.

 

Cần tới bệnh viện khám khi đau lưng trong các trường hợp dưới đây: sau một chấn động mạnh, bước sang tuổi ngũ tuần, nếu trong gia đình có người có tiền sử bị ung thư xương, khi sụt cân và bị sốt, đau lưng kèm theo vấn đề về tiểu tiện, đau và mỏi chân.

 

10. Ngứa âm hộ

 

Ngứa âm hộ có thể là do xà phòng tắm, thuốc tẩy, mặc quần jean hay đồ lót quá chật hoặc viêm âm đạo do nấm.

 

Khi ngứa kèm theo cảm giác bỏng rát, xuất hiện các thương tổn, đau rát khi "yêu" thì chớ nên coi thường, vì rất có thể bạn đang mắc một bệnh lây qua đường tình dục.

 

11. Ù tai

 

Ù tai (cảm giác có tiếng vo vo, răng rắc, leng keng trong tai) có thể xảy ra sau khi ở trong môi trường nhiều tiếng ồn mạnh, ráy tai nhiều, tuổi già hoặc các rối loạn thính giác khác.

 

Khi nghe thấy các tiếng ồn không đến từ môi trường bên ngoài hoặc khi ù tai kèm theo chóng mặt, điếc thì đó có thể là triệu chứng của bệnh Ménière (chứng chóng mặt mê đạo, tên gọi chung của các rối loạn tiền đình).

 

12. Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt

 

Chu kỳ kinh nguyệt rối loạn là do thay đổi về horrmon, căng thẳng, mệt mỏi và nó dao động theo tuổi và sự chênh lệch múi giờ.

 

Cần tới khám bác sỹ ngay khi kinh nguyệt ra nhiều (thay đổi băng vệ sinh liên tục). Nếu lượng kinh nguyệt tăng đáng kể, cần đợi 2-3 chu kỳ tiếp theo trước khi đi khám (để kiểm tra liệu các triệu chứng có tiếp tục tái diễn và liệu chu kỳ kinh nguyệt có trở lại bình thường). Kinh nguyệt nhiều có thể là do u xơ tử cung.

 

Khi kinh nguyệt không đều, kèm với đau dữ dội, cần đợi vài chu kỳ trước khi khám bệnh.

 

Với phụ nữ mãn kinh, nếu kinh nguyệt xuất hiện trở lại sau một thời gian ngừng thì vấn đề khá nghiêm trọng, đó là triệu chứng chính của ung thư trong tử cung.

 

13. Đau cơ

 

Hư khớp là một dạng của viêm khớp do sụn bị thoái hoá gây ra, thường bị ở hông, đầu gối, tay và cột sống.

 

Viêm đa khớp dạng thấp khớp là bệnh kinh niên, có biểu hiện sau:  tấy đỏ, sưng phồng, đau và cảm giác nóng rát ở các khớp. Khi tay và chân bị mắc bệnh này, người bệnh cảm thấy các khớp cứng đờ trong chừng 30 phút vào buổi sáng.

 

Khi có các biểu hiện trên, cần đến khám bác sỹ để điều trị kịp thời tránh biến dạng khớp. Nếu nghi ngờ bị mắc bệnh hư khớp, có thể tạm thời giảm đau bằng thuốc có chứa axêtaminophen và tới khám bác sỹ chuyên khoa khi những cơn đau tăng dần và kéo dài.

 

14. Thở dốc

 

Thường gặp ở những người hút thuốc lá và đây cũng là triệu chứng của bệnh hen.

 

Thở dốc khi đang tắm hay mặc quần áo, kèm theo đau ngực thì cần phải đi khám ngay vì rất có thể bạn đang bị viêm họng hoặc nghẽn mạch phổi.

 

15. Đau ngực

 

Nếu chỉ đau ngực trong khoảng 1-2 phút là do các cơ co thắt. Nhưng khi nó xuất hiện liên tục (cơ cứng, ngực thóp lại hoặc có cảm giác như bị đâm), sau đó lan lên cổ và hai vai, kèm theo thở dốc không bình thường, chuẩn đoán đó là chứng nhói tim.

 

Ngọc Nhàn

Theo Top Santé