101 lý do sợ bác sĩ

“Lương y như từ mẫu” nhưng hầu hết cá bệnh nhân đều có cảm giác e ngại, nếu như khong nói là sợ hãi, khi phải đến gặp bác sĩ khám bệnh. Có rất nhiều lý do cho sự sợ hãi này và không ít trong số đó khiến người ta phải phì cười.

Bói ra ma, khám là ra bệnh

 

Đây có lẽ là lý do phổ biến nhất cho sự trì hoãn đi gặp bác sĩ của hầu hết mọi người, ở mọi lứa tuổi khác nhau. Ở Việt Nam, số người tự giác thực hiện khám bệnh định kỳ còn rất hiếm, đa phần họ chỉ đến gặp bác sĩ khi đã có dấu hiệu của bệnh hoặc thậm chí, bệnh đã rất nặng, đau đớn quá không chịu đựng nổi.

 

Ông Trần Văn Thành, 58 tuổi (Bắc Ninh) bị bệnh viêm đa khớp đã mấy năm nay, Ông lờ mờ biết mình có bệnh về xương khớp nhưng phải đến khi đau không đi lại được, ông mới đến bệnh viện. Nhưng vì đã có một thời gian ủ bệnh khá lâu nên việc chữa trị của ông hết sức khó khăn và tốn kém.

 

Thật buồn là không chỉ người già mà ngay cả những thanh niên trẻ tuổi cũng sợ hãi khi phải đến gặp bác sĩ, sợ đi khám thế nào cũng ra một đống bệnh.

 

Sợ đau

 

"Không chỉ trẻ con mà cả người lớn cũng sợ bác sĩ như sợ... cọp vì cho rằng điều trị bệnh thường gây đau đớn và cả những bất tiện.

 

Chị Lê Thị Thoa, 49 tuổi có những triệu chứng lâm sàng của bệnh ung thư phổi nhưng nhất quyết không đến bệnh viện kiểm tra dù con cháu có động viên, thậm chí đe dọa. Chị kể đã từng đọc một số tài liệu về điều trị ung thư và thấy nó thật kinh khủng. Chị thà chịu đau đớn ở nhà, có con có cháu, còn hơn nằm còng queo trong bệnh viện với những vốc thuốc, những mũi tiêm, quá trình xạ trị, hóa trị dai dẳng. Chị nói như thể mình đang mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối mặc dù chưa hề đặt chân đến phòng khám.

 

Cách suy nghĩ lệch lạc như chị Thoa không phải là hiếm và chỉ vì tâm lý sợ đau mà họ không thể biết được thực sự mình bị bệnh gì để điều trị dứt điểm.

 

Khám mất tiền mà không có bệnh thì... xót quá

 

Sức khỏe làm ra tiền bạc chứ tiền bạc không mua được sức khỏe. Dẫu biết vậy, nhiều người vì tiếc tiền nên thường tự chữa trị ở nhà, nhất quyết không gặp bác sĩ. Không chỉ người nghèo mới sợ tốn tiền và không đi khám bệnh mà ngay cả những người giàu cũng tỏ ra dè xẻn với công cuộc "sửa chữa" nguồn tài sản quý giá nhất của chính bản thân mình.

 

Ông Hùng (Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội) cho biết: Ông thấy rất xót xa khi mất hơn chục triệu để kiểm tra sức khỏe toàn diện tại bệnh viện Việt Pháp. Tuy anh con trai trả tiền viện phí cho bố hoàn toàn nhưng cứ nghĩ đến chuyện này là bụng ông thót lại vì... xót. Nhất là khi kết quả khám cho biết ông chả có bệnh tật gì.

 

Một nghịch lý nữa là: Khi đã quyết định đi khám và nhất là mất một khoản tiền không nhỏ, nhiều người thường có tâm lý: ít nhất mình cũng phải có một bệnh nào đó, chứ nếu không thì... thật kỳ lạ, thật... xót tiền quá.

 

E ngại bác sĩ là người khác giới

 

Trong khám phụ khoa và nam khoa, hầu hết đều e ngại đi khám vì sợ bác sĩ là người khác giới.

 

Chị Thanh Hải (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) sau mấy lần chuẩn bị tâm lý đi khám phụ khoa mới dám đến phòng khám. Nhưng ca trực hôm ấy là một nam bác sĩ, vừa nhìn thấy ông, chị chuồn luôn dù tiền khám đã trả trước.

 

Anh Đinh Thắng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng từng bỏ của chạy lấy người khi nhìn thấy bác sĩ khám cho mình là một cô gái còn khá trẻ. Anh tâm sự: "Kể từ lần khám hụt đó, từ giờ anh chỉ đi khám khi biết chắc bác sĩ khám cho anh phải là nam giới. Nam giới với nam giới đỡ ngại, chứ đàn bà khám mấy cái vấn đề riêng tư này... ngại chết".

 

Sợ chỉ vì... sợ

 

Không phải là sợ đau, cũng không sợ tốn tiền, nhiều người luôn mang giữ trong mình một nỗi sợ hãi mơ hồ khi phải đối mặt với bác sĩ.

 

Chị Nguyễn Thị Hoa, 30 tuổi (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) lần đầu tiên đi khám tim đã khiến bác sĩ phải phì cười kinh ngạc. Vốn ở nông thôn, đây là lần đầu tiên chị lên thành phố để khám bệnh nên cái gì chị cũng thấy lạ, thấy sợ. Khi bác sĩ yêu cầu chị cởi áo để kiểm tra, chị nhất quyết không cởi. Vì còn rất nhiều bệnh nhân đang chờ khám nên sau khi nói nhẹ nhàng mấy lần không được, bà bác sĩ nghiêm mặt: Cô đến đây để khám bệnh, cô không cởi áo thì tôi khám thế nào? Cô có cởi không thì bảo? Sợ quá, chị Hoa ngồi khóc mếu máo khiến bác sĩ đứng đờ ra. Không làm thể nào để khám được, vị bác sĩ đành mời người nhà chị Hoa vào trợ giúp. Cuối cùng, chị Hoa cũng chịu hợp tác cho bác sĩ khám. Tuy nhiên, do quá sợ hãi nên nhịp tim của chị đập quá nhanh. Bà bác sĩ đã hết sức nhẹ nhàng nhắc chị bình tĩnh, nhưng bác sĩ càng nói, chị càng run, tim đập loạn lên chả khác nào người bị rối loạn nhịp tim. Không tin tưởng vào kết quả kiểm tra do tâm lý bệnh nhân không ổn định, bác sĩ đành khuyên người nhà bệnh nhân đưa chị về đợi khi nào tâm lý ổn định quay lại khám sau. Vậy là uổng công khám của cả bác sĩ lẫn bệnh nhân.

 

Sợ phải chờ đợi

 

Một nghiên cứu khoa học của Mỹ gần đây cho biết hầu hết các bệnh nhân đều cảm thấy sốt ruột và sợ hãi khi phải chờ đợi. Mà thực tế với tình trạng quá tải tại các phòng khám hiện nay ở Việt Nam thì việc phải chờ 1-2 tiếng thậm chí chờ gần hết buổi để đến lượt khám là điều hiển nhiên. Quá trình chờ đợi làm cho tim đập nhanh hơn, cảm giác khó chịu cũng tăng lên theo cấp số nhân.

 

Đôi khi, khám bệnh không đáng sợ bằng chờ khám bệnh. Bạn ngồi ở ghế chờ, ở ngay gian phòng bên cạnh, tiếng một bệnh nhân thét lên sau khi bác sĩ nhổ cái răng hay tiếng một đứa trẻ khóc ré lên khi bị tiêm... Tất cả đều có thể làm gia tăng nỗi sợ hãi trong bạn. Bạn sẽ chỉ muốn nhanh nhanh chóng chóng đến lượt mình khám cho... xong chuyện.

 

Xếp hàng chờ đến lượt khám cũng làm bệnh nhân bị lãng phí không ít thời gian. Đáng ra bạn phải đi đón con hay làm một công việc gì khác thì lại ngồi ở góc phòng chờ này. Với những người bận rộn, việc sắp xếp để đến gặp bác sĩ quả thật là khó khăn.

 

Có quá nhiều lý do khiến cho bạn cảm thấy e ngại mỗi khi định gặp bác sĩ. Tuy nhiên, vì tầm quan trọng của sức khỏe, mỗi người trong chúng ta đều cần chiến thắng nỗi sợ hãi để kiểm soát sức khỏe một cách tốt nhất.

 

Theo Sức khỏe gia đình