Vàng trang sức… ngồi trên lửa

Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, gia công và kinh doanh vàng trang sức cho biết hiện đang rất lo lắng về những quy định mới trong dự thảo nghị định quản lý kinh doanh vàng mà Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ.

Theo dự thảo nghị định mới này để hoạt động buộc DN phải có đủ năm loại giấy phép. Đó là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh gia công vàng trang sức, mỹ nghệ, giấy phép nhập khẩu vàng trang sức và giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.
 
Vàng trang sức… ngồi trên lửa - 1
Theo các DN, quy định mới trong dự thảo Nghị định quản lý kinh doanh vàng
có thể làm xóa sổ nghề kim hoàn truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM, cho biết quy định như vậy là đánh đồng vàng miếng và vàng trang sức, mỹ nghệ.

Theo ông Dưng hiện chỉ có vàng nguyên liệu, vàng miếng là có tác động tiêu cực đến chính sách tiền tệ. Do vàng miếng được chuyển từ hàng hóa sang tiền đồng, sang USD và ngược lại từ tiền qua thành hàng hóa nhanh nhất. Cho nên từ lâu vàng miếng được người dân, DN dùng làm phương tiện thanh toán còn vàng trang sức, mỹ nghệ thì không.

Mặt khác, siết vàng trang sức bằng các loại giấy phép nêu trên là không khả thi. Vì hiện có những cơ sở gia công vàng trang sức quy mô khoảng 5-10 thợ kim hoàn và vài kiểu máy móc thô sơ. Nếu buộc họ có địa điểm, cơ sở vật chất mới cấp phép gia công thì vô hình trung sẽ xóa sổ luôn ngành nghề truyền thống kim hoàn.

Ngoài ra, từ trước đến nay vàng trang sức, mỹ nghệ là hàng hóa thông thường, không bị hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện. Do vậy nay buộc xin nhiều loại giấy phép là gây khó khăn lớn cho DN trong chuyển đổi hoạt động. Thực tế lâu nay ở TP.HCM có hàng ngàn hộ kinh doanh cá thể chuyên gia công vàng trang sức. Các hộ này không kinh doanh nên chỉ cần cho đăng ký gia công với phòng kinh tế ở quận, huyện là xong.

Không chỉ lo về pháp lý hoạt động mà cửa xuất khẩu nữ trang của DN hiện cũng vướng mắc. Vì theo dự thảo nghị định này thì các DN xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng 20 K (83,3%) trở lên phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

DN phản ánh quy định vậy là chưa khả thi và sẽ loại bỏ những DN thực hiện nghiệp vụ tạm nhập tái xuất. Do theo thông lệ quốc tế các DN kinh doanh vàng chỉ sử dụng hàm lượng vàng chuẩn như 24 K, 18 K hoặc 99,99%, 95%... chứ ít sử dụng hàm lượng 20 K. Ngoài ra, tại một số thị trường vàng lớn chỉ ưa chuộng sử dụng vàng hàm lượng 95% trở lên.

Do đó nếu cứng nhắc áp quy định vàng nữ trang xuất ở mức 20 K thì sẽ bóp chết DN tạm nhập tái xuất và hạn chế nguồn ngoại tệ cho đất nước.

Theo Bùi Nhơn
Pháp luật TPHCM

Dòng sự kiện: Giá vàng tăng phi mã