Tiêu điểm:

Trách nhiệm đối với dân

(Dân trí) - Việc xử lý 11 doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM gian lận trong kinh doanh xăng dầu, gây thiệt hại cho người tiêu dùng diễn hôm 22/12, lãnh đạo UBND TPHCM chỉ đạo Sở KH-CN củng cố hồ sơ trình UBND TP ra quyết định xử phạt hành chính với mức tối đa.

Trách nhiệm đối với dân - 1

(hình minh họa - nguồn ảnh: internet)
 
Hình thức bổ sung là tước giấy phép kinh doanh 11 doanh nghiệp vi phạm trong một năm. Đối với các cây xăng không có giấy phép kinh doanh thì buộc ngưng hoạt động.

 

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã lợi dụng lòng tin cùng với sự mất khả năng kiểm tra của người tiêu dùng để thực hiện hành vi gian lận. Trên thực tế, người đến đổ xăng tại các trạm xăng dầu chỉ nhìn  đồng  hồ để trả tiền, không ai biết được đồng hồ đó chạy sai hay đúng. Còn đối với chất lượng xăng, người mua chỉ chọn lọai xăng A92 hoặc A95, nhưng không thể biết được lọai xăng đó có đúng tiêu chuẩn hay bị pha trộn. Cho nên, nếu như cố tình gian lận, thì các doanh nghiệp dễ dàng qua mặt người tiêu dùng.

 

Gian lận trong kinh doanh xăng dầu chẳng khác gì ăn cắp tiền của người mua. Chỉ cần đong thiếu một ít trong đơn vị một lít, pha trộn xăng chất lượng thấp bán giá chất lượng cao thì mỗi ngày một cây xăng nhỏ cũng ăn cắp được vài triệu đồng. Tính ra trong bao nhiêu năm qua, họ đã làm lợi bất chính tiền tỉ. Thế nhưng, khi áp dụng xử phạt, mức tối da lại không quá 30 trịêu đồng. Sự bất hợp lý trong quy định mức xử phạt so với hậu quả của hành vi vi phạm đã không răn đe được các doanh nghiệp.

 

Chính vì mức phạt tiền quá thấp cho nên ông Lê Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND TPHCM  chỉ đạo phải phạt bổ sung bằng hình thức tước giấy phép kinh doanh trong một năm. Trước đó, chính ông Hà đã đưa ra ý kiến cần xem xét xử lý hình sự các doanh nghiệp vi phạm. Sự kiên quyết từ lãnh đạo chính quyền thành phố trong đợt này chắc chắn sẽ có tác động tích cực, hạn chế được kiểu làm ăn gian dối để thu lợi bất chính của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

 

Tuy nhiên, có một điều cần phải chấn chỉnh, đó là công tác kiểm tra, kiểm soát họat động của các doanh nghịêp. Như đã nói trên, người tiêu dung không có công cụ và không có khả năng, thẩm quyền để kiểm tra, phát hiện các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu, việc này hoàn toàn trông cậy vào các cơ quan của chính quyền. Để cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gian lận, ăn cắp tiền của dân thì chưa hoàn thành trách nhiệm của mình đối với dân.

 

Lê Chân Nhân