Nhật đóng lò phản ứng hạt nhân cuối cùng

(Dân trí) - Gần 14 tháng sau thảm họa động đất và sóng thần, Nhật Bản đã cho đóng cửa lò phản ứng cuối cùng của mạng lưới nhà máy điện hạt nhân.

 

Nhật đóng lò phản ứng hạt nhân cuối cùng
Nhật cho đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân để bảo trì.

 

Lần đầu tiên sau 42 năm, Nhật Bản sẽ không còn lò phản ứng hạt nhân nào hoạt động sau khi lò cuối cùng được tắt vào cuối ngày thứ bảy tại nhà máy Tomari ở Hokkaido.

 

Hàng ngàn người Nhật chống hạt nhân đã tuần hành trên đường phố Tokyo hôm thứ Bảy để ăn mừng lò cuối cùng của 50 lò hạt nhân ngưng hoạt động.

 

Sau trận động đất và sóng thần năm ngoái làm lò phản ứng ở nhà máy Fukushima bị tan chảy, chính phủ Nhật Bản đã cho kiểm tra lại toàn bộ các lò bằng những cuộc trắc nghiệm khả năng chịu đựng độ căng.

 

Từng lò một phải ngưng hoạt động để kiểm tra xem có chịu được động đất và sóng thần hay không.

 

Các lò đầu tiên qua được trắc nghiệm là lò số 3 và số 4 của nhà máy Ohi ở quận Fukui thuộc miền trung. Chính quyền đã đánh giá tốt cho cuộc trắc nghiệm này, nhưng cho tới nay, chưa cò lò nào được khởi động lại.

 

Chính quyền lo ngại nếu không có điện hạt nhân, Nhật Bản sẽ bị khan điện vào mùa hè này.

 

Mặc dù chính phủ cảnh báo Nhật Bản sẽ thiếu điện nếu không có điện hạt nhân, nhiều người Nhật vẫn muốn ăn mừng. Song  nhiều người sống gần các nhà máy điện hạt nhân có những vui buồn lẫn lộn vì đóng cửa các nhà máy có nghĩa là họ sẽ bị mất việc.

Cuộc tuần hành hôm thứ Bảy rơi đúng vào Ngày Thiếu Nhi, được người Nhật cử hành vào ngày 5 tháng 5 mỗi năm. Nhiều người cho rằng sự trùng hợp này rất hay, vì cuộc tuần hành xuất phát từ những lo ngại cho thế hệ con cháu.

 

Các cuộc thăm dò công luận cho thấy đa số quần chúng chống đối việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân. Chính quyền Nhật Bản cũng chưa định ngày để tái khởi động.

 

Trong khi chờ đợi, Nhật Bản khắc phục chuyện thiếu điện năng bằng cách dựa vào nhập khẩu than, dầu, và khí đốt. Tình hình này sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, kinh tế và số lượng khí gây ô nhiễm của Nhật Bản.

 

Vũ Quý

Theo AP