Nghịch lý giữa lỗ với lương của EVN

(Dân trí) - Chuyện mức lương của ngành “luôn kêu lỗ” lại rất cao cùng với việc EVN tăng giá điện bất ngờ đã gây ra không ít bức xúc, kèm những câu hỏi được bạn đọc đặt ra trước khi kết thúc đợt kiểm tra lương, thưởng của EVN...

Nghịch lý giữa lỗ với lương của EVN  - 1

(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)
 
Trước các thông tin công khai về mức lương cao ngất ngưởng của cán bộ khối văn phòng EVN cho đến mức lương tháng bình quân của nhân viên, trần ngọc phong sinthattamnguoioi2000@yahoo.com  đặt câu hỏi: “Tiền lương như vậy mà EVN luôn kêu lỗ to là sao? Hay chỉ là hình thức kêu to để được tăng giá điện lên cao, để lương thưởng mỗi tháng lên đến 20 triệu đồng thì mới là làm ăn có lãi? Mong sao sau đợt kiểm toán này mọi việc sẽ được làm sáng tỏ để người làm điện cũng như người tiêu dùng cùng “dễ thở””.

 

Hải Sơn vhsonbk@gmai.com bức xúc trước nghịch lý “lỗ và lương” ở EVN: “Tăng giá điện, khổ nhất vẫn là những người lao động nghèo. EVN kêu lỗ nhưng nếu lỗ đến mức 100 ăn 1 mà vẫn trả lương 13tr đến 30tr thì quá vô lý”.

 

“Việc thỏa thuận mức đơn giá tiền lương với Bộ LĐ-TBXH cần phải tính đến hiệu quả quản lý sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn EVN. Chứ cứ làm ăn thua lỗ mà vẫn được hưởng theo đơn giá lương và không phải chịu trách nhiệm như các Tổng công ty Nhà nước hiện nay, thì tôi nghĩ cần gì phải tuyển người có trình độ, vì có lỗ có hỏng cũng vẫn được trả lương cao mà” - văn minh nguyễn: nvminh1957@yahoo.com chua chát.

 

Cũng liên quan đến vấn đề tăng giá điện để bù lỗ, Trần Từ Thiện ttthien@theodorealexander.com cho rằng đó không phải là giải pháp tốt nhất qua những phân tích: “Như thế này, lương trả cho nhân viên điện lực không phải là tính từ lợi nhuận, lương là tính trong chi phí. Còn lợi nhuận là trả cho tiền thưởng. Vì vậy không nên đề cập nhiều đến lương của nhân viên điện lực. Cần xem xét lại những cá nhân nào có mức thưởng cao quá trong khi làm ăn không có lời, như thế mới công bằng.
 
Một số nhân viên điện lực lương vẫn còn thấp lắm. Làm thế nào để giảm chi phí và bài trừ lãng phí mới là quan trọng và lâu dài. Chứ nếu chỉ tập trung vào việc đòi trừ lương toàn nghành điện lực để bù vào tiền lỗ thì sai mất. Cái chính là, lãnh đạo phải xem lỗ là vì đâu. Nếu quỹ lương quá cao thì có nghĩa là chi phí đầu vào quá cao. Như vậy việc định giá điện bị sai. Còn nếu các chi phí khác cao, lương thì chưa đủ thì xem lại cách quản lý do lãng phí mặt nào đó, nhân viên làm việc chưa hiệu quả, chứ không phải tăng giá điện là xong. Đó không phải là giải pháp hay nhất”.

 

Chuyện tăng giá điện bất ngờ vào thời điểm nhạy cảm nhất trong năm làm rất nhiều người “choáng váng”. Và dù chỉ tăng 5% giá điện cũng làm giá cả các mặt hàng khác tăng theo, làm xáo trộn thị trường vốn đã không ổn định:

 

“Bộ Công Thương có biết bao nhiêu mặt hàng chuẩn bị tăng vào dịp cuối năm không? Sao ít ra không để sang năm hẵng tăng, tăng vào thời điểm này thì dân khổ rồi. Giá cả các mặt hàng khác sẽ ăn theo thôi, vậy người nghèo sao có tiền ăn tết nhỉ? Tôi mới được biết các hãng sữa cũng đồng loạt tăng giá đó, không biết Bộ Công Thương có biết không?” – Nghiên: tuhao_311@yahoo.com.vn thấy khó hiểu.

 

“Thật là khổ cho những người phải chịu cảnh thuê trọ ở thành phố! Nếu giá điện tăng thì chủ cho thuê trọ như là: “nước dâng thì bèo cũng dâng”. Hy vọng các ban ngành lãnh đạo xem xét lại” -  Nguyễn Văn Thanh: nguyenthanh0509@gmail.com than thở. 

 

Việc EVN đầu tư ngoài ngành gây thua lỗ, tổn thất lớn kinh kế của Nhà nước cũng là vấn đề được nhiều độc giả mổ xẻ, chất vấn.

 

“Theo tôi, cần phải sớm chấn chỉnh lại việc “đá lộn sân” của EVN: đầu tư quá dàn trải vào những lĩnh vực chẳng liên quan để rồi làm lỗ và thất thoát vốn của Nhà nước và của dân, rồi lại la làng lên thua lỗ đòi tăng giá điện đủ kiểu. Bây giờ EVN công bố mức lương “khủng” so với mặt bằng lương chung của cả nước, vậy thì tiền đó từ đâu ra?” - Quách Phú An: phuan@gmail.com đặt câu hỏi.

 

“Đầu tư 50.000 tỷ thu về 540 tỷ. Không hiểu mấy bác “nhà đèn” làm ăn kiểu gì? Đã biết vậy sao vẫn tiếp tục đầu tư tràn lan” - dv.hieu: design_graphic_arena@yahoo.com.vn thắc mắc.

 

“... Họ độc quyền nên muốn tăng giá lúc nào thì tăng. Đã độc quyền điện rồi sao còn tham lam kinh doanh các ngành khác để thua lỗ, rồi cứ gõ vào đầu dân chúng tôi mà bù lỗ cho các ông. Tôi nghĩ nên mua điện của nước ngoài về cho nó rẻ" - trần trường: trantruong.tn@gmail.com cùng quan điểm.  

 

Con số lương ở EVN dù đã được công khai vậy, nhưng xem ra vẫn còn rất nhiều “uấn khúc” như không ít người trong ngành “vạch áo”.

 

 “Các ban ngành cũng nên vào cuộc kiểm tra luôn đi. Ngay như tôi làm công nhân trực tiếp trong ngành điện mà thấy còn có nhiều vấn đề về lương bổng. Tháng nào cũng ký lấy hai bảng lương, nhưng chỉ được lấy lương ở bảng lương với mức lương thấp hơn, còn bảng lương cao hơn thì kế toán giải thích là bảng lương tính mức thu nhập? Hầu hết ở các cơ sở điện lực trực thuộc công ty Điện lực Sơn La, tháng nào cao thì được 4.5 triệu chứ lấy đâu ra 7,9 triệu như báo chí đăng” - Binh Yen: Binhyen@yahoo.com than thở.

 

Tương tự, Tép Teptpngonhin@gmail.com  có cùng câu hỏi: “Lương của ngành điện ở công ty mẹ là cao so với đại đa số người dân hiện nay. Nhưng lương của các nhân viên ở các chi nhánh của ngành điện lại không được bằng nửa số lương tại công ty mẹ. Tôi muốn hỏi vì sao lại có sự chênh lệch nhiều đến như vậy?” 

 

“Tôi là một cán bộ thuộc EVN, tôi công tác tại một tỉnh vùng núi và đã đi làm trong ngành được 12 năm (trình độ đại học). Thu nhập bình quân của tôi vào khoảng 6,5 trđ/tháng. Tôi nghĩ với quá trình công tác trong ngành và mức thu nhập tôi được hưởng như vậy là bình thường nếu không nói so với bạn bè trong ngành khác (trong cùng tỉnh ) là thấp hơn nhiều. Tôi nghĩ chúng ta nên có cái nhìn khách quan hơn đối với CBCVN trong EVN, không phải ai trong EVN lương cũng cao đâu. Đặc biệt là anh em công nhân công việc vô cùng vất vả , nặng nhọc vậy mà lương của họ bình quân cũng chỉ được 4trđ/tháng thôi” - Nguyễn Thị Như Quỳnh: Nhuquynhp5@gmail.com chia sẻ.

 

“Đúng là cần phải khẩn trương làm rõ lương của EVN chứ như thế này thì thật khó chấp nhận. Làm lỗ mà lương, thưởng cứ cao ngất ngưởng. Hơn nữa chuyện người lương cao vẫn cao mà người lương thấp vẫn thấp cũng là vấn đề cần xem xét, đừng đánh lận con đen” - Lê xuân sinh:  sinhqtnl@gmail.com kết lại vấn đề.

 

Trần Bách