Hệ lụy từ việc học luân phiên ở các trường tiểu học của Hà Nội

Việc học tập luân phiên ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của hàng trăm gia đình khi ngày trong tuần học sinh nghỉ, ngày nghỉ các cháu lại đi học.

Nguyên nhân chính dẫn đến nhiều trường tiểu học ở Hà Nội phải cho học sinh học tập, nghỉ học luân phiên là vì số lượng tuyển sinh vượt quá số lượng phòng học hiện có hoặc điều kiện về cơ sở vật chất của các trường còn có sự chênh lệch đáng kể.

Muôn kiểu trường cho học sinh học tập, nghỉ học luân phiên

Theo khảo sát của phóng viên báo điện tử VOV, hiện nay, tại Hà Nội không chỉ có trường tiểu học Tây Sơn, quận Hai Bà Trưng cho học tập, nghỉ học luân phiên mà còn một số trường khác trên địa bàn thủ đô cho học sinh đi học ngày thứ Bảy và nghỉ bù vào một ngày trong tuần.

Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, quận Ba Đình, Hà Nội nằm sát cạnh đình Kim Mã Thượng
Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, quận Ba Đình, Hà Nội nằm sát cạnh đình Kim Mã Thượng

Nằm trên địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội, mặc dù có diện tích nhỏ hẹp và chung với đình Kim Mã Thượng nhưng trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc vẫn phải cho học sinh học tập, nghỉ học luân phiên và vẫn phải tổ chức cho giáo viên dạy học ngày thứ Bảy.

Hiện trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc có 471 học sinh chia làm 11 lớp từ khối 1 đến khối 5 nhưng trường chỉ có 10 phòng học nên phải bố trí cho 5 lớp khối 4 và 5 học tập, nghỉ học luân phiên.

Lý do trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc vẫn phải cho học sinh học tập, nghỉ học luân phiên là do khối 4 có 3 lớp học vì năm học 2013- 2014, số lượng tuyển sinh lớp 1 vào trường đột ngột tăng (ở tất cả các trường cùng trên địa bàn). Nhà trường không thể giảm tải việc tuyển sinh đầu vào vì mỗi năm phải tuyển ít nhất 2 lớp 1 mới đáp ứng được nhu cầu nhập học của học sinh trên địa bàn.

Cô Dương Thị Thu, Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc cho biết: Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc có dự án xây mới tại địa chỉ số 50 Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội nhưng đến nay chưa thực hiện được vì còn khó khăn, vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Vì vậy, nhà trường vẫn phải cho học sinh học tập tại địa chỉ số 18, ngõ 294 Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội và nằm trong ngôi đình làng Kim Mã Thượng.

Tình trạng học sinh phải học luân phiên còn diễn ra ở một số khu vực ven đô, địa bàn có tốc độ đô thị hóa rất nhanh.

Tính đến tháng 12/2015, dân số tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai là 32.600 người nhưng đến cuối tháng 6/2016, số lượng dân đã tăng đột biến lên 52.282 người.

Mặc dù số lượng dân số cơ học tăng lên nhanh như vậy nhưng đến nay, trên địa bàn phường Hoàng Liệt chỉ có duy nhất 1 trường tiểu học ở khu đô thị Tây Nam thuộc bản đảo Linh Đàm với 30 phòng học. Với số lượng trẻ đến độ tuổi đi học rất lớn nên nhà trường đã phải báo cáo với các cấp lãnh đạo cho phép sử dụng các phòng chức năng thành phòng học vì thế đến nay, trường tiểu học Hoàng Liệt có 40 phòng học.

Tuy nhiên, trên thực tế, trường tiểu học Hoàng Liệt hiện đang có 2.238 học sinh chia làm 48 lớp học nhưng trường chỉ có 40 phòng nên để đảm bảo chỗ học cho tất cả học sinh, nhà trường phải bố trí 8 lớp học tập, nghỉ học luân phiên.

Nhiều khu chung cư được xây dựng tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai nhưng đến nay chỉ có duy nhất 1 trường tiểu học
Nhiều khu chung cư được xây dựng tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai nhưng đến nay chỉ có duy nhất 1 trường tiểu học

Ông Tạ Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, đến tháng 9/2016, trên địa bàn phường Hoàng Liệt có 62 chung cư. Trong đó, hơn một nửa số chung cư này có độ cao trên 20 tầng và có tòa nhà với trên 800 hộ dân sinh sống. Sắp tới có thêm một số chung cư nữa hoàn thành thì dân số và số lượng trẻ đến tuổi đi học tại địa bàn sẽ lại tăng thêm.

Dân số tăng nhanh chóng mặt nhưng hiện phường Hoàng Liệt chỉ có 1 trường tiểu học. Bất cập này là từ khi xây dựng các khu đô thị, tòa nhà chung cư, các chủ đầu tư không chú trọng đến việc xây dựng thêm trường học. Chỉ riêng khu vực chung cư hỗn hợp gồm 12 tòa nhà với khoảng 9.600 hộ dân nhưng khi quy hoạch và xây dựng các tòa nhà này lại không có trường tiểu học nào.

Trường chung sân với nhà dân mong mỏi có nơi học tập tốt hơn

Nằm ngay giữa trung tâm Hà Nội, trường tiểu học Võ Thị Sáu, quận Hoàn Kiếm Hà Nội có 19 lớp học với tổng số là 745 học sinh được chia ra học tại 3 địa điểm nhưng diện tích đều rất nhỏ hẹp, chung với khu dân cư đang sinh sống, không có sân chơi để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, vui chơi cho học sinh.

Tại điểm trường chính ở 35 Trần Hưng Đạo, Hà Nội chỉ có 6 lớp học nhưng trường tiểu học Võ Thị Sáu lại sử dụng chung sân với một số hộ dân không ở nhưng lại cho nhà hàng ăn uống thuê, có nhiều người ra vào không kiểm soát được nên khó đảm bảo an ninh, an toàn cho học sinh.

Trường tiểu học Võ Thị Sáu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chung sân với một số nhà dân và hộ không ở nhưng lại cho nhà hàng ăn uống thuê
Trường tiểu học Võ Thị Sáu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chung sân với một số nhà dân và hộ không ở nhưng lại cho nhà hàng ăn uống thuê

Vì sân trường rất nhỏ hẹp nên đến giờ thể dục, nhà trường chỉ sắp xếp cho 1 lớp học, còn lại là hoạt động thể dục giữa giờ thì học sinh phải tập ở trong lớp. Không những vậy, tại trước cổng trường lại là điểm đỗ xe buýt nên rất nguy hiểm cho học sinh và phụ huynh đến trường và tan học.

Điểm trường ở 18 Hàm Long, Hà Nội lại nằm sâu trong ngõ, sát cạnh chùa Hàm Long và đường vào trường có nhiều quán hàng ăn uống. Sân trường rất nhỏ không đảm bảo cho gần 500 học sinh. Với khung cảnh như vậy không đảm bảo về môi trường, cảnh quan sư phạm.

Điểm trường thứ 3 tại địa chỉ 24 Trần Hưng Đạo nằm trong khu tập thể, duy nhất có 1 lớp học với diện tích khoảng 30 m2 nhưng có sự bất cập là khu vệ sinh lại nằm luôn trong lớp học.

Cô Lê Thúy Quỳnh, Hiệu trưởng trường Võ Thị Sáu cho biết, hiểu được sự thiếu thốn, bất cập về cơ sở vật chất tại trường, UBND quận Hoàn Kiếm đã tham mưu với thành phố Hà Nội đưa ra 2 địa điểm: 13 Phan Huy Chú và 36 Trần Hưng Đạo để xây dựng trường ở đó. Toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh nhà trường rất mong mỏi có một cơ sở học tập ổn định với đầy đủ khung cảnh sư phạm nhưng đến nay vẫn chưa có được.

Nhằm phục vụ nhu cầu của nhiều phụ huynh muốn cho con học 2 buổi/ngày, từ nhiều năm nay, ngành GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu các trường tiểu học tạo mọi điều kiện tốt nhất để học sinh được học bán trú tại trường.

Thế nhưng, với một ngôi trường nhìn bề ngoài khá khang trang, sạch đẹp và nằm ngay trên tuyến phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nhưng trường tiểu học Lê Ngọc Hân không thể thực hiện được việc cho học sinh học 2 buổi/ngày ngay tại trường. Bởi vì tại địa điểm của trường, buổi sáng là dành cho học sinh cấp THCS, buổi chiều dành cho cấp tiểu học.

Đến nay, trường tiểu học và THCS Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng vẫn cho học sinh học tập chung với trường tiểu học tại 41 Lò Đúc, Hà Nội nên học sinh cấp I vẫn chưa được học 2 buổi/ngày ở trường
Đến nay, trường tiểu học và THCS Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng vẫn cho học sinh học tập chung với trường tiểu học tại 41 Lò Đúc, Hà Nội nên học sinh cấp I vẫn chưa được học 2 buổi/ngày ở trường

Cô Nguyễn Thị Thắm, Hiệu trưởng trường tiểu học Lê Ngọc Hân cho biết, quận Hai Bà Trưng và thành phố Hà Nội đang tiến hành các thủ tục để tách trường tiểu học và THCS Lê Ngọc Hân thành 2 địa điểm khác nhau. Theo đó, khu đất nhà máy rượu Hà Nội ở phố Nguyễn Công Trứ được dành để xây dựng trường cấp II.

Các thầy cô giáo và phụ huynh trường tiểu học Lê Ngọc Hân đang rất mong muốn trường THCS Lê Ngọc Hân sẽ được di dời sang địa điểm mới trong thời gian sớm nhất.

Cơ sở vật chất trường học quyết định rất lớn đến việc các trường tiểu học đảm bảo cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày và không phải học tập luân phiên. Vì vậy, bài toán đặt ra ở đây là các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội phải nâng cấp, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học và đội ngũ giáo viên đạt chất lượng tốt hoặc phải có những biện pháp hữu hiệu khi mà quỹ đất xây dựng trường học tại địa phương không còn. Những vấn đề này sẽ được báo điện tử VOV đề cập trong những bài viết tiếp theo.

Theo VOV