Đâu chỉ cần no bụng

Chiều 21.6, Quốc hội thông qua nghị quyết về một số chính sách thuế tháo gỡ khó khăn cho tổ chức, cá nhân. Trong đó, có quy định những người chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc một sẽ được miễn trong vòng 6 tháng cuối năm 2012.

Như vậy, có 73% số người đang nộp thuế hiện nay được hưởng chính sách này. Nhưng về lâu dài, cần thiết phải có sự điều chỉnh về mức chịu thuế thu nhập cá nhân cho phù hợp với thực tế. Đồng tiền mất giá vì lạm phát, người thu nhập mức này chỉ đủ gói ghém để sống, chưa kể khi ốm đau, không thể có tích lũy.
 

Con người sống không phải chỉ đưa thực phẩm vào bụng, vài manh áo để mặc, mà còn có nhiều nhu cầu khác về hưởng thụ văn hóa, dưỡng nuôi tinh thần. Xin đưa ra một ví dụ, các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa đọc cho rằng người VN ngày càng ít đọc sách. Sự sa sút rất nguy hiểm này có nguyên nhân từ chứng lười đọc. Nhiều trọc phú nhiều tiền nhưng chẳng bao giờ cầm đến cuốn sách, mặc dù họ mua sách về trang trí đầy nhà. Nhưng người VN ít đọc sách cũng có nguyên nhân từ thu nhập, không ít người có “căn cơ” đọc sách, nhưng vì tiền bạc eo hẹp, mua cuốn sách mất vài chục ngàn đồng nên phải tính toán. Từ việc không có tiền mua sách, dẫn đến mất dần hứng thú đọc sách và cuối cùng là không còn thói quen đọc sách.

 

Không ít người hô khẩu hiệu phải nâng cao dân trí, xây dựng nếp sống văn hóa. Gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa, thôn ấp văn hóa, rồi văn hóa giao thông, văn hóa doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên, để có được đời sống văn hóa, thực tiễn có những đòi hỏi không thể thiếu. Có những hành vi văn hóa không mất tiền vẫn cứ tạo ra được, nhưng cũng phải khẳng định rằng, tiền là điều kiện để giúp con người xây dựng được một cuộc sống văn hóa. Sẽ không ai cho chúng ta vào xem một vở kịch hay, thưởng thức một đêm nhạc thính phòng hay vào tham quan một khu du lịch nếu như chúng ta không có tiền mua vé. Sự tích lũy văn hóa của mỗi công dân làm nên nền tảng dân trí. Dân trí làm sao được nâng cao khi người dân suốt đời lam lũ, sống thiếu thốn, chỉ mong đủ cái ăn cho no bụng. Dân trí thấp sẽ nảy sinh nhiều hậu quả xã hội và để xử lý các hậu quả đó, quốc gia phải tốn rất nhiều tiền. Cho nên, đánh thuế thu nhập cá nhân không phù hợp có khi lợi trước mắt cho ngân sách, nhưng hại về lâu dài.

 

Sự thụ hưởng về văn hóa làm cho con người thấy cuộc sống đáng sống, thấy mình là “người” thực sự. Và tất nhiên, để đáp ứng được tối thiểu các nhu cầu văn hóa, cần phải có thu nhập cao hơn nhiều so với mức quy định phải chịu đóng thuế bậc một hiện nay.

 

Theo Lê Thanh Phong

Lao Động