Chuyện dài kỳ thuế - phí bao giờ tới hồi kết?

(Dân trí) - Dù đã nói ngàn lần thân “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi…”, nhưng đúng là vai của người dân ta giờ đã quá nặng gánh thuế và phí so với mức thu nhập chung rồi. Bởi vậy dù biết sẽ phải đóng phí, nhưng điều mà người dân lo hơn là liệu đã đủ chưa?

Chuyện dài kỳ thuế - phí bao giờ tới hồi kết?
(minh họa: tin.soha.vn)
 
Gánh thuế, gánh phí

 

Thống kê dưới đây của  Kiếm Thanh kiemthanh@gmail.com có thể coi là dẫn chứng có sức nặng cho lời kết đầy âu lo, buồn bã “Sao thu lắm vậy hở trời?” đang là tâm trạng chung của bao người.

 

“Mua một cái xe máy: - Giá xe đã có các loại thuế khi mua linh kiện phụ tùng, xuất xưởng. - 10%VAT. - 5% trước bạ. - Từ 500 ngàn -> 4tr tiền biển số. - 1000 đ/lít xăng quĩ bình ổn. - 10% VAT thay dầu nhớt hàng tháng. - 10% VAT cho xăng hàng ngày. - Trong tuổi thọ 10 xe của 1 xe máy, giả sử thay thế phụ tùng và sửa chữa = 30% giá trị xe thì tính ra là lại có 10% VAT phụ tùng của chỗ đó. - Mỗi năm 150k phí bảo trì đường bộ. - 100k tiền mua bảo hiểm bình quân cho mỗi xe 1 năm. - 10% tiền vé gửi xe. - 10 % trong phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự. - Tạo công ăn việc làm cho thợ sửa xe, rửa xe, các ngành phụ tùng, sản xuất. - Tiền nộp phạt vi phạm hành chính hàng năm. Đó là còn chưa nói đến ô tô…. Sao thu lắm vậy hở trời?”

 

Tóm lại, kể từ ngày 1/6 trở đi, mỗi chủ xe ôtô sẽ phải đóng 3 mức thuế cùng 7 loại phí gồm: bảo trì đường bộ, trước bạ,  biển số, đăng kiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, xăng dầu và phí cho quỹ bình ổn. Còn xe máy... chưa tính. Cám cảnh cho gánh nặng này của người dân ta ở trong nước, một số bạn đọc từ nước ngoài cũng chia sẻ:

 

“Tôi ở bên Pháp mà biết tin này cũng cảm thấy buồn... Sao người dân Việt Nam lại phải gánh bao nhiêu thứ lệ phí như thế? Sao không giảm bớt phí cho nhân dân được nhờ? Trong khi làm cán bộ thì nhiều người vẫn giàu có, còn nhân dân thì nghèo hơn mà còn cứ bị áp thuế và thu thêm phí mãi thế?” - Mai:  maimeo9999@yahoo.fr

 

“Các nhà làm chính sách VN hãy học theo kinh nghiệm tốt của các nước. Ví dụ như ở Hàn Quốc có một loại biển số có màu vàng riêng biệt, để phân biệt rõ ràng loại xe phải đóng phí nhiều hơn trong 4 loại xe:  xe công, xe quân đội, xe cá nhân, xe kinh doanh. Trong đó xe kinh doanh được lắp biển màu vàng. Tất cả các phương tiện là tài sản thuộc các doanh nghiệp hoặc các công ty, xe tư nhân sử dụng vào muc đích kinh doanh, taxi, xe khách, xe vận chuyển hàng hóa, xe đưa đón công nhân ... đều phải đăng ký loại biển màu vàng này. Tôi nghĩ nếu VN cũng phân biệt rõ ràng các loại phương tiện như thế thì sự công bằng trong việc thu phí nhằm bảo trì đường bộ sẽ được mọi người ủng hộ. Đương nhiên các phương tiện kinh doanh vận tải thường xuyên lăn bánh, và mọi người chắc cũng hiểu rằng ai phải nộp phí nhiều hơn” - Nguyên:  kyniem_damme@yahoo.com
 
Chuyện dài kỳ thuế - phí bao giờ tới hồi kết?
(theo tintuc.xalo.vn)

 

Tập trung một mối

 

Từ đó, đa số ý kiến đều cho rằng cách thu phí đánh đồng theo đầu xe sẽ tạo sự bất công và vô lý. Trong khi từ kinh nghiệm thực tế, họ đều cho rằng nên thu qua xăng dầu và tập trung các loại thuế, phí chồng chéo nhau này vào một mối để không làm cồng kềnh thêm bộ máy. Đồng thời cũng dễ quản lý, giám sát.
 

“Nên thu qua xăng dầu vừa bình đẳng, vừa tiết kiệm được nhân công. Nếu thu qua đầu phương tiện, vừa không bình đẳng, lại gây khó khăn không đáng có cho chủ phương tiện, đặc biệt là xe máy. Vì mất thời gian đi nộp tiền, lại tạo ra lớp công chức yếu kém,  trình độ thấp, bộ máy nhà nước càng thêm cồng kềnh” – Tran Quyen: tranquyen3011@gmail.com

 

“Phí hay thuế đều là tiền của các chủ phương tiện ô tô, xe máy đóng góp. Sao không tập trung vào một mối, đỡ mất công thu, thuận lợi cho việc quản lý, không làm phiền người nộp nhiều lần. Mà mấy ông nhà mình hay thật, thuế dân đóng để đâu mà gì cũng thu tiền dân, trong khi lợi ích được hưởng của dân thì có thấy thêm gì đâu? Than ôi!!!” -  Ngang:  bangangtkt@yahoo.com.vn

 

“… Việc thu phí giao thông qua đầu phương tiện không công bằng so với thu qua xăng dầu. Ông quan chức nói 70% dầu diezel không dùng cho vận tải. Vậy hãy cứ thu phí đường bộ qua xăng đi. Còn đối với xe chạy dầu sẽ tính cách khác, thí dụ thu trên đầu phương tiện chạy bằng dầu diezel. Như vậy còn công bằng hơn nhiều so với phương án thu toàn bộ qua đầu phương tiện. Vấn đề là tôi nghĩ rằng, các công bộc của dân ở Bộ GTVT, Cục Đường bộ... chưa chịu khó suy nghĩ làm cách nào cho công bằng hơn. Họ chỉ nghĩ "thu là thu", thu sao càng dễ, càng nhiều, càng tốt. Họ không quan tâm đến dân, mà chỉ quan tâm sao cho có nhiều  tiền lập dự án bảo trì thôi?” - Tô Thái: tothai@hn.vnn.vn

 

Cũng có những đề xuất khác được cho là vẫn công bằng và thuận tiện hơn:

 

“Tôi thấy việc thu phí bảo trì đường bộ cứ thu theo bảo hiểm xe, vì xe lưu thông bắt buộc phải có bảo hiểm. Mặc dù phương án này không thể là tuyệt đối được, nhưng nó còn có tính công bằng hơn. Chứ cho địa phương thu phí bảo trì đường bộ thì sẽ thất thoát 1 lượng lớn, vì mối quan hệ tại địa phương nên chắc nhiều người sẽ không phải đóng phí” - Nguyễn Văn Bằng::  bangdoi140307@yahoo.com

 

“Nên tổng hợp vào một mức thuế cụ thể đối với người sử dụng xe và minh bạch trong quá trình sử dụng ngân sách cho vấn đề giao thông. Hiện nay thì chuyện nộp phí để có đường tốt khi di chuyển là không có vấn đề gì phải bàn cãi. Tuy nhiên hãy nhìn lại hạ tầng các con đường mới làm còn chưa hết thời gian bảo hành hoặc chưa được bàn giao đã xuống cấp và gây khó khăn khi di chuyển cho người tham gia giao thông thì tính sao? Ai phải chịu hay lại tìm cách thu thêm để giải quyết? Cách đó nghe không ổn cả về hình thức lẫn nội dung. Cần xem lại cách quản lý và điều hành luật trước khi " ra thêm luật", mà nhất là quy định luật lại chỉ có "thu"....” - Tuan: kinhdoanh_nhatquang@yahoo.com.vn

 

Đồng thời những nghi ngờ vẫn còn đó trước các biểu hiện lãng phí hoặc thiếu minh bạch trong cả việc tổ chức thu phí, cũng như xử lý con số rất không nhỏ các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước đã xây dựng trên các tuyến đường.

 

“Chuẩn bị lại có thêm một đội ngũ nhân viên quản lý phí nữa. Phí thu được trích ra để trả lương cho họ, đến lúc dùng đến chẳng còn là bao nhiêu. Có lẽ VN chúng ta cần thuê nước ngoài về để kiểm soát tài chính thì mới không bị thâm hụt, không có tham nhũng, chứ cứ tình trạng này thì VN làm sao theo kịp thế giới. Đáng buồn! (bài viết thực tế nhưng hơi động chạm, có lẽ sẽ không được đăng, nhưng em cứ gửi vì bức xúc quá)” – Anh Tuan:  tuanbongda2000@yahoo.com

 

“Thế là lại hàng ngàn tỉ đồng bị hoang phí khi xây dựng các trạm thu phí, giờ lại mất công tháo bỏ. Thật lãng phí. Đường chưa làm xong đã bị hỏng, thử hỏi chất lượng công trình đang để ở đâu… Cần làm rõ hơn và minh bạch hơn nữa, để người dân không phải đóng phí bảo trì đường bộ. Ở Hàn Quốc, tôi thấy người ta làm đường đến 15 năm chưa thấy hỏng. Trong khi ở VN ta ai cũng biết tệ nạn tham nhũng, tham ô, rút ruột công trình dẫn tới người dân lại phải đóng thêm tiền. Đừng nên cứ đổ hết lên đầu dân như thế. Hãy thực thi bảo đảm chất lượng công trình cho đúng với số tiền đã bỏ ra tới hàng chục ngàn tỉ đồng cho các con đường đi…” - Nguyen Huy Cuong: nguyencuong.vp2010@yahoo.com

 

"Các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước sẽ có lộ trình để giải tán, riêng các trạm thu phí công trình BOT vẫn sẽ tiếp tục hoạt động" - Vậy để các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước không bị giải tán, người ta chỉ tìm cách chuyển các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước thành các trạm thu phí công trình BOT là xong. Rồi đấy mà xem!!!...” - Thai Khanh:  dicobaa@gmail.com
 
Chuyện dài kỳ thuế - phí bao giờ tới hồi kết?
Lợi nhuận một chuyến hàng chưa đủ để đóng phí sử dụng đường cao tốc (ảnh minh họa: giaothongvantai.com.vn)

 

Dân không thể không kêu

 

Tất nhiên dân luôn kêu là vì ai cũng biết hậu quả của mọi sự thêm các khoản thuế, phí sẽ vẫn là dân phải chịu. Chứ các giới chức làm việc công đã có xe công, các khoản phí được thanh toán theo chế độ… và còn nhiều khoản ngoài luồng khác nữa, nên họ chắc cũng không phải lo ngại cho lắm đâu.

 

“Nếu tiến hành thu phí bảo trì đường bộ thì cũng như giá xăng, các công ty vận chuyển đường dài sẽ lấy đó làm cớ để tăng giá xe. Tiền tăng giá lại tính vào "vé" của những người đi. Đúng là "công bằng" chỉ mang một ý nghĩa tương đối như ông Quyền nói…” -  Lê Văn Trường:  aviaiva@yahoo.com

 

Kết quả của việc thu thêm phí này, theo suy nghĩ của người dân, xem ra rất khác so với mục tiêu được các nhà chuyên môn đề ra:

 

“Trong bối cảnh kinh tế vừa trải qua thời kỳ khủng hoảng, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay mà các doanh nghiệp xăng dầu, các cơ quan quản lý giao thông thi nhau tăng giá và thu phí như vậy sẽ làm các doanh nghiệp và người dân khó khăn chồng chất khó khăn.

 

Với các nội dung như giải thích nêu trên, tôi cho rằng mục đích ở đây là thu phí và thu được càng nhiều tiền càng tốt, chứ chẳng có gì là để hạn chế giao thông cả. Vì cùng 1 xe đó người ta đằng nào cũng phải đóng phí rồi, đi 1km cũng thế mà đi 1 tỷ km thì cũng phải đóng phí như vậy nên người ta chẳng ngại gì mà không đi. Trong khi đó việc mở rộng đường sá, xây dựng thêm các công trình giao thông công cộng thì chưa đảm bảo và đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Tôi thật sự bức xúc với những cách làm kiểu như vậy nhưng chẳng biết kêu ai bây giờ” - Vũ Anh Hiệp:  vuanhhiepvn@gmail.com

 

“Mặt bằng chung cuộc sống dân mình vẫn chưa gọi là khấm khá, trong khi đó ngày càng đẻ thêm nhiều loại phí quá. Tôi thấy các công trình mà mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp như vậy là bị rút ruột. Nếu như công trình được làm đúng với số tiền mà dự án trình ra thì đâu cần phải bảo trì nhiều. Như vậy phí bảo trì phải chăng là một cách để cho các nhà xây dựng giao thông bỏ tiền vào túi?...” -  Hoàng Đình Tiến:  hoangdinhtien.yb@gmail.com

 

Đúng là có những ý kiến cho rằng dân ta cái gì cũng kêu, nhưng các nhà chuyên môn cũng cần xem lại vì đâu nên nỗi dân thiếu tin tưởng và lại đầy nghi ngờ với mỗi sáng kiến được đề ra bị cho là xa dân, ép dân... như thế.  

 

Thanh Nguyễn