Xét xử tiến sĩ vật lý dạy làm giàu: Bị hại kêu oan cho bị cáo

Hải Nam

(Dân trí) - Tại phiên tòa, các bị hại chia làm 2 phe. Phe đầu tiên "kêu oan" cho tiến sĩ vật lý, phe còn lại bày tỏ nguyện vọng được lấy lại tiền đã góp vốn.

Ngày 20/4, phiên tòa xét xử tiến sĩ vật lý - bị cáo Phạm Thanh Hải (57 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế - IDT) chuyển sang phần xét hỏi, sau một ngày đại diện VKS công bố bản cáo trạng. 

Trong vụ án này, Hải bị VKS truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Những dự án "tỷ đô"

Tại tòa, bị cáo phủ nhận cáo buộc huy động hơn 2.700 tỷ đồng, từ 2.574 nhà đầu tư với lời hứa "trả lãi 50%/năm), rồi chiếm đoạt gần 580 tỷ đồng. Theo lời khai của ông Hải, hơn 2.900 tỷ đồng là số tiền mà bị cáo đã trả cho các nhà đầu tư. Tiến sĩ vật lý khẳng định bản thân làm đúng nghĩa vụ với những người đã góp vốn cho mình.

"Tôi có thể sai sót nhưng không bao giờ lừa đảo", bị cáo Hải nói.

Xét xử tiến sĩ vật lý dạy làm giàu: Bị hại kêu oan cho bị cáo - 1

Bị cáo Phạm Thanh Hải tại phiên tòa (Ảnh: Nam Hoàng).

Trước cáo buộc những dự án mà bị cáo dùng để "dụ" nhà đầu tư đều không có hiệu quả kinh tế, ông Hải cho rằng các dự án trên đều "chuẩn bị" sinh lời.

Bị cáo liệt kê các dự án "mạng xã hội làm giàu", trồng cây mắc ca... đều ở trong giai đoạn tiềm năng rất lớn. Hải nói "mạng xã hội làm giàu" dự kiến sau một năm nữa sẽ có giá trị đến 2 tỷ USD, còn cây mắc ca sẽ đem về hàng tỷ USD khác.

"Đúng lúc cây sắp ra quả, sinh lời, tôi bị cơ quan điều tra bắt giữ, nhà đầu tư mất cơ hội thu lợi nhuận", bị cáo nói về dự án trồng cây mắc ca.

Về hoạt động kinh doanh của công ty, Hải cho biết doanh nghiệp của bị cáo hoạt động hiệu quả bất chấp khủng hoảng kinh tế. 

Khi tòa chất vấn về việc Hải căn cứ vào đâu để hứa trả lãi 40-50%/năm cho các nhà đầu tư, bị cáo thừa nhận là dùng tiền của người sau trả cho người trước.

Bị hại kêu oan cho bị cáo

Trước khi phiên tòa diễn ra, tòa án triệu tập gần 600 bị hại và người liên quan. Tuy nhiên, chỉ 85 người có mặt, 87 người xin xét xử vắng mặt, còn lại không có mặt.

Tại phiên tòa, các bị hại chia làm 2 phe. Phe đầu tiên "kêu oan" cho tiến sĩ vật lý. Những người trong nhóm này cho rằng họ tự nguyện tham gia các lớp học làm giàu của bị cáo, thông qua giới thiệu của người quen. Họ cũng tin tưởng hoàn toàn vào "trình độ, đạo đức và tầm nhìn" của Phạm Thanh Hải.

Vì vậy, nhóm "bị hại" này đề nghị tòa thả tự do cho bị cáo và cho rằng giao dịch giữa họ và Hải là dân sự, là sự tự nguyện. Đặc biệt, có một số người còn mong muốn được tiếp tục đầu tư, kinh doanh với bị cáo.

Trong khi đó, phe còn lại bày tỏ nguyện vọng được lấy lại tiền đã góp vốn. Trước tòa, những người này cho rằng bản thân góp tiền vì dự án kinh doanh, vì công ty IDT chứ không phải vì cá nhân Phạm Thanh Hải. 

Xét xử tiến sĩ vật lý dạy làm giàu: Bị hại kêu oan cho bị cáo - 2

Các bị hại tại phiên tòa (Ảnh: Nam Hoàng).

Theo cáo trạng, năm 2007, ông Hải thành lập Công ty IDT, hoạt động kinh doanh trên mạng nhưng không đem lại hiệu quả. Túng thiếu tiền để trang trải chi phí, chi tiêu cá nhân, Hải bắt đầu tổ chức các cuộc hội thảo, thành lập trang mạng "hoclamgiau.vn".

Bên cạnh đó, bị cáo còn tự giới thiệu bản thân là tiến sĩ, có nhiều kinh nghiệm kinh doanh tại Liên Xô cũ, có tài đầu tư... Còn công ty của Hải thì được quảng bá là đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây macca, siêu lợi nhuận. Từ đó, Hải thu hút các nhà đầu tư góp vốn cho bị cáo.

Để chứng minh tính khả thi của các dự án mà Hải đang quảng cáo, vị "tiến sĩ" đưa ra các hợp đồng với lãi suất huy động cao ngất ngưởng, từ 40 đến 50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền. 

Cơ quan tố tụng xác định, dù mục đích huy động vốn của Hải là để phục vụ mục đích cá nhân, nhưng ông ta vẫn chỉ đạo nhân viên Công ty IDT soạn thảo, ký kết hợp đồng, thu chi kiểm đếm tiền. Hải tự ý sử dụng con dấu công ty IDT đóng dấu xác nhận trên chữ ký của ông ta trong các bản hợp đồng giữa bị cáo và các nhà đầu tư để nạn nhân tin tưởng.

Bằng thủ đoạn trên, VKS cáo buộc, từ tháng 10/2014 đến tháng 10/2015, Hải đã huy động được hơn 2.700 tỷ đồng, từ 2.574 nhà đầu tư. Số tiền này, Hải sử dụng chủ yếu cho vay cá nhân, thanh toán gốc và lãi cho những hợp đồng đến hạn, chi thưởng kết nối hợp đồng mới, chi phí tổ chức các cuộc hội thảo, tham quan, du lịch quảng bá dự án... 

Hải chỉ sử dụng một phần nhỏ để góp vốn với danh nghĩa cá nhân vào một số công ty, dự án. Các dự án mà Hải góp vốn đều mới thành lập, hoạt động không hiệu quả, không có khả năng sinh lợi nhuận cao như bị cáo quảng bá, cam kết, hứa hẹn.